Tình hình giá cả thị trường một số mặt hàng thiết yếu trong 9 tháng đầu năm 2019.

Theo số liệu của Tổng Cục thống kê chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 năm 2019 tăng 0,32% so với tháng trước, tăng 1,98% so với cùng kỳ năm trước; tăng 2,2% so với tháng 12 năm trước; CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2019 tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước; CPI quý III năm 2019 tăng 2,23% so với cùng kỳ năm trước.

So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 8 nhóm hàng tăng giá gồm Nhóm giáo dục tăng 3,15%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,56%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,25%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,13%; Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,12%; May mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,09%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,06%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,06%; Nhóm Bưu chính viễn thông không đổi. Có 2 nhóm giảm giá: Nhóm Giao thông giảm 1,24%; Nhóm Thuốc và dịch vụ y tế giảm 0,01%.

Lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 9 năm 2019 tăng 0,16% so với tháng trước, tăng 1,96% so với cùng kỳ; 9 tháng đầu năm 2019 so cùng kỳ tăng 1,91%.

Nguyên nhân làm tăng CPI trong 9 tháng đầu năm là do một số mặt hàng tăng giá theo quy luật hàng năm như giá một số nhóm hàng tiêu dùng (thuộc nhóm thực phẩm, dịch vụ ăn uống, đồ uống, dịch vụ giao thông công cộng, du lịch…) trong dịp nghỉ hè, dịp nghỉ lễ 2/9 và lễ Trung thu; thời tiết vào mùa nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt tăng làm tăng giá điện, nước lũy tiến; Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung thịt lợn giảm làm cho giá thịt lợn tăng; Giá dịch vụ y tế điều chỉnh tăng theo mức tăng thêm của lương cơ bản; giá một số vật liệu xây dựng (sắt, thép, xi măng) và giá nhân công xây dựng tăng do nhu cầu xây dựng và chi phí đầu vào tăng.

Các yếu tố kiềm chế CPI trong 9 tháng đầu năm, giá lương thực giảm do nguồn cung trong nước dồi dào và nhu cầu nhập khẩu gạo trên thế giới giảm, giá xăng dầu và giá gas trong nước có xu hướng giảm trong quý III/2019. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá về việc quyết tâm kiểm soát lạm phát năm 2019 trong mục tiêu đề ra từ đầu năm (3,3-3,9%), các Bộ, ngành, địa phương đã chú trọng công tác theo dõi, đánh giá, dự báo tình hình giá cả thị trường trong và ngoài nước các mặt hàng thiết yếu để có phản ứng chính sách kịp thời góp phần ổn định tâm lý thị trường, kiểm soát lạm phát kỳ vọng, chủ động tính toán, điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình thị trường và kịch bản Ban Chỉ đạo đã đề ra trong từng quý.

Q:\TIN CÁC PHÒNG GỬI\2019\CSTH\Thang 10\New folder\20191015_175511.jpg

Giá thóc, gạo tẻ thường tại miền Bắc trong 9 tháng đầu năm 2019 nhìn chung ổn định. Tại miền Nam, giá gạo giảm trong tháng 1- 2/2019 do vào thời gian nghỉ lễ, giao dịch gạo kém sôi động và lượng cầu giảm. Hai tháng tiếp theo thị trường sôi động trở lại do thông tin nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc, Iraq, Cuba ... Sang tháng 5,6,7/2019, giá gạo giảm do nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu thấp. Tháng 8/2019 giá gạo tăng trở lại do nhu cầu thu mua thóc gạo cho các giao dịch xuất khẩu, nhưng sang tháng 9/2019 giá gạo giảm do nhu cầu thị trường giảm. So với cùng kỳ năm 2018, giá gạo giảm khoảng 500 - 1.850 đồng/kg, giá thóc giảm khoảng 750 - 1.900 đồng/kg tuỳ từng loại.

Giá thực phẩm tươi sống trong 9 tháng đầu năm 2019 biến động không đều. Giá các mặt hàng thịt bò, thịt gà, thủy hải sản ổn định do nhu cầu thị trường đối với những mặt hàng này không có nhiều biến động, giá mặt hàng thịt lợn tăng trong tháng 1 và tháng 2 do nhu cầu thị trường tăng trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán. Từ thời điểm đầu tháng 3 đến tháng 5, giá thịt lợn hơi có xu hướng giảm mạnh, người tiêu dùng hạn chế sử dụng thịt lợn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Từ tháng 6 đến nay, giá thịt lợn tăng trở lại do lượng lợn thịt trong dân không còn nhiều do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi cũng như tâm lý lo ngại chưa tái đàn ở nhiều vùng chăn nuôi. Mặt khác, các đầu mối đẩy mạnh thu mua xuất lợn sống sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch (Trung quốc dừng nhập khẩu thịt lợn của Mỹ và có xu hướng chuyển qua nhập từ các nước khác trong đó có Việt Nam).

Giá phân bón, do nguồn cung trong nước dồi dào nên giá bán phân bón không có nhiều biến động, giá bán phân bón Urê trong nước phổ biến từ 7.900-8.600 đồng/kg. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm trước, giá phân bón Urê trên thị trường thế giới tăng 20-105 USD/tấn; trong nước, giá phân bón Urê tăng 900-1.700 đồng/kg.

Giá muối trên thị trường ổn định trong 2 tháng đầu năm 2019. Đến tháng 3/2019, giá muối tăng do nguồn cung giảm. Sang Quý II/2019 và Quý III/2019, giá muối trên thị trường ổn định do thị trường không có nhiều biến động. So với cùng kỳ năm 2018, giá muối tương đối ổn định.

Giá đường trong nước sau khi giảm liên tục trong 04 tháng đầu năm 2019 đã tăng nhẹ trở lại từ tháng 5/2019 đến tháng 7/2019 do nhu cầu tăng khi thời tiết nắng nóng và tương đối ổn định từ tháng 8/2019 cho đến nay do nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu. So với cùng kỳ năm 2018, giá bán buôn đường 9 tháng đầu năm 2019 ở mức thấp và theo xu hướng giảm.

Giá LPG thế giới biến động tăng từ tháng 2 đến tháng 5/2019 và giảm mạnh từ tháng 6 đến tháng 9/2019. Cụ thể, giá CP trên thị trường thế giới tháng 1/2019 giảm nhẹ 5USD/tấn. Từ tháng 2 đến tháng 5 giá CP trên thị trường thế giới liên tục tăng tổng mức tăng là 102,5USD/tấn. Tuy nhiên, từ tháng 6/2019, giá CP giảm mạnh 170 USD/tấn tác động làm giá CP thời điểm tháng 9/2019 thấp hơn cuối năm 2018.

Được điều chỉnh theo giá CP trên thị trường thế giới, giá LPG trong nước 9 tháng đầu năm 2019 cũng được điều chỉnh tăng giảm tương ứng. Mặc dù tháng 1 năm 2019 giá CP giảm nhẹ, tuy nhiên các doanh nghiệp kê khai giá tại Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính giữ ổn định hoặc điều chỉnh tăng giá LPG khoảng 4.000 đồng/bình 12kg do giá Premium được điều chỉnh tăng. Tháng 5/2019, giá CP tăng nhẹ nhưng một số đơn vị không điều chỉnh tăng mà giữ ổn định giá. 9 tháng đầu năm 2019, giá bán lẻ LPG bình 12kg được điều chỉnh giảm so với cuối năm 2018 khoảng từ 10.000- 15.000 đồng/bình.

Giá xi măng, từ đầu năm tới nay, các công ty xi măng thuộc Tổng công ty xi măng Việt Nam thực hiện kê khai giá tại Cục Quản lý giá Bộ Tài chính đã thực hiện kê khai tăng giá lần 1 vào ngày 20/3/2019; mức tăng giao động từ 10.000 đồng/tấn đến 60.000 đồng/tấn tùy từng chủng loại xi măng khác nhau; nguyên nhân do giá nhiên liệu đầu vào để sản xuất xi măng tăng (giá điện, than tăng); ngoài đợt tăng giá ngày 20/3/2019 có hai công ty là công ty xi măng Bỉm Sơn và công ty xi măng Bút Sơn kê khai điều chỉnh tăng giá lần 2 vào tháng 5/2019, mức tăng khoảng 30.000 đồng/tấn.

Giá thép: Theo báo cáo của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thép, trong tháng 01/2019 giá thép xây dựng tại các nhà máy cơ bản ổn định; Sang tháng 02/2019 do giá nguyên liệu đầu vào biến động tăng nên các nhà máy điều chỉnh tăng giá bán trong nước với tổng mức tăng phổ biến khoảng từ 40-650 đồng/kg tùy theo từng chủng loại và nhà sản xuất; Tháng 3,4,5/2019 giá thép xây dựng tại các nhà máy cơ bản ổn định. Đến đầu tháng 6/2019, một số nhà máy điều chỉnh giảm giá 100-400 đồng/kg tùy theo từng chủng loại và nhà sản xuất; từ tháng 8/2019 đến nay, do diễn biến giảm giá trên thị trường thép thế giới cùng với nhu cầu tiêu thụ trong nước không có biến động lớn nên các nhà máy sản xuất thép xây dựng đã điều chỉnh giảm giá khoảng 400-500 đồng/kg tùy theo từng chủng loại và nhà sản xuất. Giá bán tại các nhà máy sản xuất thép tháng 9/2019 ở mức khoảng từ 10.800-13.200 đồng/kg (giá giao tại nhà máy, chưa bao gồm 10% thuế VAT, chiết khấu bán hàng).

Giá thép xây dựng bán lẻ phổ biến trên thị trường như sau: tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung dao động ở mức 11.000-13.000 đồng/kg; tại các tỉnh Miền Nam dao động ở mức 11.200-13.200 đồng/kg.

Giá xăng dầu, nhằm kiểm soát lạm phát và chỉ số CPI như mục tiêu đã đề ra, Quỹ BOG đã được sử dụng linh hoạt để giữ ổn định giá hoặc hạn chế mức tăng của giá xăng dầu trong nước trước biến động tăng của giá thế giới. Trong 9 tháng đầu năm 2019, Bộ Công Thương đã ban hành 18 văn bản điều hành giá xăng dầu trong đó có 7 lần điều chỉnh giảm giá, 4 lần giữ ổn định giá, 7 lần tăng giá. Giá bán lẻ tối đa mặt hàng xăng dầu tại kỳ điều hành ngày 16/9/2019 cụ thể: Xăng E5Ron92 là: 19.110 đồng/lít; Xăng Ron 95 - III là: 20.140 đồng/lít; Dầu điêzen 0.05S là: 16.200 đồng/lít; Dầu hỏa là: 15.360 đồng/lít; Dầu madút 180CST 3.5S là: 14.090 đồng/kg.

Q:\TIN CÁC PHÒNG GỬI\2019\CSTH\Thang 10\New folder\20191016_065734.jpg

Giá vàng trong những tháng đầu năm tương đối ổn định, tăng giảm trong biên độ thấp, trừ dịp biến động tăng vào Tết Nguyên đán, đặc biệt là ngày Thần Tài. Tuy nhiên, giá vàng bắt đầu xu hướng tăng mạnh từ tháng 6/2019 tới nay. Trước đó, giá vàng trong nước đã có khoảng 3 năm chủ yếu biến động trong biên độ hẹp trong khoảng 36-37 triệu đồng/lượng. Do ảnh hưởng của tình hình chính trị thế giới, tác động đà tăng của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước liên tục đi lên, lập đỉnh của 7 năm ở mức 42,6-43,07 triệu đồng/lượng (ngày 26/8), đánh dấu giá vàng quay trở lại mức đỉnh 43 triệu đồng/lượng kể từ tháng 8/2012. Điểm khác biệt giữa đợt tăng giá vàng trong thời gian gần đây so với đợt tăng cách đây 7 năm là tại thời điểm 2012, giá vàng trong nước cao hơn thế giới khoảng 2 triệu đồng/lượng, còn hiện tại, giá vàng trong nước và thế giới xấp xỉ ngang bằng, thậm chí có thời điểm, giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới. Bên cạnh đó, khác với sự sôi động của đợt tăng giá 7 năm trước, trong đợt tăng này, mặc dù giá vàng liên tục tăng nhưng lượng giao dịch cũng không tăng đột biến.

Mặc dù có những biến động tăng cao, tuy nhiên, tình hình cung - cầu vàng trong nước từ đầu năm đến nay tương đối ổn định, không có sự chênh lệch lớn, nhờ đó giá vàng trong nước diễn biến ổn định hơn so với giá vàng thế giới. So với mức tăng, giảm mạnh của vàng thế giới, giá vàng trong nước có biên độ giao dịch dè dặt hơn.

Theo Tổng Cục thống kê, chỉ số giá vàng các tháng (so với tháng trước) như sau: Tháng 01 tăng 2,25%, tháng 02 tăng 0,8%, tháng 3 giảm 0,21%, tháng 4 giảm 0,5%, tháng 5 giảm 0,5%, tháng 6 tăng 1,98%, tháng 7 tăng 4,78%, tháng 8 tăng 4,61%; tháng 9 tăng 3,25%; Chỉ số giá vàng bình quân 9 tháng đầu năm tăng 4,44% so với cùng kỳ năm 2018.

Giá Đô la Mỹ, thị trường ngoại hối ổn định với nguồn cung ngoại tệ dồi dào đáp ứng đủ nhu cầu, thanh khoản ngoại tệ của thị trường tốt. Từ sau Tết đến nay tỷ giá USD liên tục đi lên do nhiều nguyên nhân, trong đó có nhu cầu ngoại tệ từ doanh nghiệp cải thiện, tình hình bất ổn trên thị trường thế giới, sự mạnh lên của đồng USD. Tỷ giá trung tâm được công bố ở thời điểm đầu năm là 22.828 đồng/USD (ngày 03/01) tới cuối tháng 6/2019 là 23.066 đồng/USD (ngày 29/6), điều chỉnh tăng 238 đồng/USD, tới cuối tháng 9 là 23.161 đồng/USD (ngày 30/9), tăng 95 đồng/USD.

Do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, trong thời gian qua, tỷ giá trung tâm Việt Nam chịu áp lực rất lớn trước sự phá giá của đồng nhân dân tệ và các đồng ngoại tệ khác đồng loạt giảm giá. Tuy nhiên, nhờ chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt, thận trọng, phù hợp với diễn biến trong nước và quốc tế của Chính phủ và NHNN, tỷ giá về cơ bản không có biến động lớn.

Trong gần 4 tháng đầu năm 2019, tỷ giá tại Ngân hàng thương mại giao dịch tương đối ổn định. Tuy nhiên, đến đầu tháng 5/2019, tỷ giá VND/USD biến động mạnh hơn, tỷ giá giao dịch đã tăng khoảng 0,95% so với đầu năm. Từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 7/2019 tỷ giá ổn định trở lại và sau đó nhìn chung có xu hướng giảm cho đến nay ngoại trừ một số thời điểm tỷ giá tăng do thị trường thế giới và trong nước phản ứng với diễn biến phức tạp trên thị trường quốc tế. Tỷ giá Đôla Mỹ (mua vào/ bán ra) được niêm yết đầu năm (03/01/2019) ở mức 23.155-23.245 đồng/USD, cuối tháng 9/2019 tăng lên 23.150-23.270 đồng/USD. So với đầu năm, tỷ giá đồng đô la Mỹ trong hệ thống ngân hàng tăng khoảng 25 đồng.

Theo Tổng Cục thống kê, chỉ số giá Đôla Mỹ các tháng (so với tháng trước) như sau: Tháng 01 giảm 0,4%, tháng 02 giảm 0,09%, tháng 3 tăng 0,05%, tháng 4 giảm 0,02%, tháng 5 tăng 0,45%, tháng 6 tăng 0,3%, tháng 7 giảm 0,56%, tháng 8 giảm 0,17%; tháng 9 giảm 0,1%. Chỉ số giá Đôla Mỹ bình quân 9 tháng đầu năm 2019 tăng 1,55% so với cùng kỳ năm 2018.

Thanh Hương

Bài viết liên quan

Instructions to see the valuation of land by location
If you know the instructions on how to see the price of land by location in the land price list of…
Value-added tax is expected to be reduced to 8% from the beginning of February
In the draft Decree detailing the implementation of tax exemption and reduction policies according…
The bank must determine the net loss limit for interest rate derivatives
The State Bank of Vietnam has just issued Circular No. 25/2021/TT-NHNN (Circular 25) amending and…
Employees who have to return home before the deadline are supported up to 20 million VND
Deputy Prime Minister Le Minh Khai signed Decision No. 40/2021/QD-TTg on the Fund to support…
Decree No: 02/2022/ND-CP dated January 6, 2022 of the GovernmentDecree No: 02/2022/ND-CP dated January 6, 2022 of the Government
On January 6, 2022, the Government issued Decree No. 02/2022/ND-CP detailing the implementation of…