Một số nội dung chủ yếu của Nghị quyết của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN.

Ngày 26 tháng 11 năm 2019, tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước (sau đây gọi chung là Nghị quyết xử lý nợ). Nghị quyết ngày có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 và được tổ chức thực hiện trong thời hạn 03 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành.

I. Sự cần thiết phải xây dựng và ban hành Nghị quyết

Sự cần thiết ban hành Nghị quyết thể hiện ở 3 điểm chính sau đây:

- Một là, Thực tiễn hoạt động quản lý thuế trong thời gian qua, cơ quan quản lý thuế đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp quản lý nợ và thu hồi nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế. Tuy nhiên, có một bộ phận người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, mất khả năng thanh toán, phá sản, giải thể không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc bị thiên tai, bất khả kháng, cơ quan thuế đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thu nợ theo quy định của Luật Quản lý thuế, nhưng người nộp thuế không còn khả năng nộp thuế cho nhà nước.

Số nợ đọng này tồn tại kéo dài qua nhiều năm, số tiền phạt chậm nộp và tiền chậm nộp tính 0,03%/ngày tăng lên theo thời gian (đến nay số nợ không còn khả năng nộp ngân sách chiếm 48,7% số tiền nợ thuế), song thực tế khoản nợ này là nợ ảo, không còn khả năng thu nhưng chưa có cơ chế để xử lý nợ.

- Hai là, Luật Quản lý thuế hiện hành không quy định việc khoanh nợ, trong khi việc thực hiện xóa nợ đối với 3 nhóm đối tượng trong Luật Quản lý thuế hiện hành phải đáp ứng được điều kiện là phải thực hiện tuần tự các biện pháp cưỡng chế nợ và khoản nợ thuế đủ 10 năm dẫn đến có nhiều bất cập, không thể thực hiện được. Trong khi đó đối với các trường hợp người nộp thuế đã chết, đã mất tích, giải thể, phá sản, ngừng bỏ hoạt động kinh doanh, bị thu hồi giấy phép kinh doanh và các trường hợp bị thiên tai, bất khả kháng hoặc nợ thuế do chưa được Nhà nước thanh toán... thực tế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước nhưng vẫn phải tính tiền phạt chậm nộp và tiền chậm nộp.

- Ba là, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 Quốc hội đã thông qua tại kỳ họp thứ 7, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020, trong đó đã có quy định chế tài để xử lý nợ cho các đối tượng không còn khả năng nộp ngân sách này, cụ thể quy định cho khoanh tiền thuế nợ (tại Điều 83), xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp (tại Điều 85). Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 152 của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 thì đối với các khoản thuế được miễn, giảm, không thu, xóa nợ phát sinh trước ngày 01/7/2020 thì tiếp tục xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành. Do đó đối với các khoản nợ không còn có khả năng thu phát sinh trước ngày 01/7/2020 không được xử lý theo Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.

Từ những lý do trên, cần báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết để xử lý nợ đối với những đối tượng không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, tạo cơ sở pháp lý để xử lý nợ tồn đọng giai đoạn trước ngày 01/7/2020 để không làm phát sinh thêm nợ ảo, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp mà không thể thu hồi được, không còn đối tượng để thu hồi.

II. Nội dung chính của Nghị quyết

Nghị quyết gồm có 8 Điều, trong đó: Điều 1. Phạm vi điều chỉnh; Điều 2. Đối tượng áp dụng; Điều 3. Nguyên tắc xử lý nợ; Điều 4. Đối tượng được xử lý nợ; Điều 5. Các biện pháp xử lý nợ; Điều 6. Thẩm quyền và hồ sơ, trình tự thủ tục xử lý nợ; Điều 7. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan; Điều 8. Điều khoản thi hành.

1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết quy định về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp phát sinh trước ngày 01/7/2020 (ngày Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành) đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, bao gồm tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan.

2. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng bao gồm: i) Người nộp thuế nợ tiền thuế thuộc đối tượng được khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp quy định tại Điều 4 của Nghị quyết này; ii) Cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế, người có thẩm quyền xử lý nợ quy định tại Nghị quyết; iii) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

3. Nguyên tắc xử lý nợ

Việc xử lý nợ phải đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc sau:

- Một là, Bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, đúng đối tượng, đúng thẩm quyền; bảo đảm điều kiện, hồ sơ, quy trình, thủ tục và chịu trách nhiệm của cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.

- Hai là, Bảo đảm công khai, minh bạch; bảo đảm việc thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, giám sát của người dân.

- Ba là, Tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm việc lợi dụng chính sách để trục lợi hoặc có tình chây ỳ, nợ thuế.

- Bốn là, Trường hợp cơ quan có thẩm quyền, cơ quan quản lý thuế phát hiện việc khoanh nợ, xóa nợ không đúng quy định hoặc người nộp thuế đã được xóa nợ mà quay lại sản xuất, kinh doanh hoặc thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh mới, trừ đối tượng quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 4 của Nghị quyết thì phải hủy quyết định khoanh nợ, xóa nợ và phải thu vào ngân sách nhà nước khoản nợ đã được xóa.

4. Đối tượng được xử lý nợ

Đối tượng được xử lý nợ là người nộp thuế nợ tiền thuế, nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp phát sinh trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 mà không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, bao gồm 7 nhóm đối tượng:

(1) Người nộp thuế là người đã chết, người bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự;

(2) Người nộp thuế có quyết định giải thể gửi cơ quan quản lý thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh để làm thủ tục giải thể, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thông báo người nộp thuế đang làm thủ tục giải thể trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nhưng người nộp thuế chưa hoàn thành thủ tục giải thể;

(3) Người nộp thuế đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc đã bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản;

(4) Người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý thuế đã phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người nộp thuế có trụ sở hoặc địa chỉ liên lạc để kiểm tra, xác minh thông tin người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế;

(5) Người nộp thuế đã bị cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi hoặc đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động hoặc giấy phép hành nghề theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế;

(6) Người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ;

(8) Người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán trực tiếp bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, bao gồm cả nhà thầu phụ được quy định trong hợp đồng ký với chủ đầu tư và được chủ đầu tư trực tiếp thanh toán nhưng chưa được thanh toán.

5. Các biện pháp xử lý nợ

(1) Khoanh nợ tiền thuế kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 đối với các đối tượng quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 và 3 Điều 4 của Nghị quyết.

(2) Xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp còn nợ trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 đối với các đối tượng quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 4 của Nghị quyết:

- Điều kiện xóa nợ theo từng đối tượng như sau:

a) Người nộp thuế quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị quyết có giấy chứng tử hoặc giấy báo tử hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc các giấy tờ thay cho giấy báo tử theo quy định của pháp luật;

b) Người nộp thuế quy định tại khoản 2 Điều 4 của Nghị quyết có quyết định giải thể hoặc thông báo của cơ quan đăng ký kinh doanh về việc người nộp thuế đang làm thủ tục giải thể trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp;

c) Người nộp thuế quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết đã có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc Tòa án có thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản;

d) Người nộp thuế quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 4 của Nghị quyết không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh và có biên bản xác nhận giữa cơ quan quản lý thuế với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người nộp thuế có trụ sở hoặc địa chỉ liên lạc về việc người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc hoặc cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế.

(3) Xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp còn nợ trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 đối với đối tượng quy định tại khoản 6 Điều 4 của Nghị quyết, bảo đảm các điều kiện sau đây:

- Có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc người nộp thuế bị thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ và thời gian, địa điểm xảy ra;

- Chưa được xử lý miễn tiền chậm nộp từ khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 có hiệu lực thi hành;

- Có văn bản đánh giá giá trị thiệt hại vật chất do người nộp thuế lập và có xác nhận về giá trị thiệt hại của tổ chức kiểm toán độc lập, cơ quan thẩm định giá hoặc cơ quan bảo hiểm;

- Số nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp được xóa tính trên số nợ tiền thuế phát sinh không có khả năng thu do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ gây ra và không vượt quá giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại sau khi trừ các khoản được bồi thường, bảo hiểm (nếu có).

(4) Xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp còn nợ trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 đối với đối tượng quy định tại khoản 7 Điều 4 của Nghị quyết, bảo đảm các điều kiện sau đây:

- Có văn bản xác nhận của đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước về việc người nộp thuế chưa được thanh toán, số tiền chưa thanh toán và thời gian chậm thanh toán cho người nộp thuế;

- Có hợp đồng kinh tế ký với đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước, đối với nhà thầu phụ phải được quy định cụ thể trong hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng và được đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước trực tiếp thanh toán nhưng chưa được thanh toán và biên bản nghiệm thu công trình, hạng mục công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước hoặc hóa đơn cung ứng hàng hóa dịch vụ;

- Số nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp được xóa được tính trên số nợ tiền thuế nhưng số nợ tiền thuế không vượt quá số tiền ngân sách nhà nước chậm thanh toán cho người nộp thuế và số tiền được xóa phát sinh trong khoảng thời gian ngân sách nhà nước chậm thanh toán.

6. Thẩm quyền và hồ sơ, trình tự thủ tục xử lý nợ

(1) Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế quyết định việc khoanh nợ tiền thuế.

(2) Thẩm quyền xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với doanh nghiệp và tổ chức được quy định như sau:

a) Thủ tướng Chính phủ quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 15 tỷ đồng trở lên;

b) Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 10 tỷ đồng đến dưới 15 tỷ đồng;

c) Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 05 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng;

d) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp dưới 05 tỷ đồng.

(3) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với cá nhân, cá nhân kinh doanh, hộ gia đình, hộ kinh doanh.

Ngoài ra, Nghị quyết giao Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định hồ sơ và hướng dẫn trình tự, thủ tục xử lý nợ.

7. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan

Nghị quyết quy định cụ thể trách nhiệm của: Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Cơ quan quản lý thuế và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc xử lý nợ như: Cơ quan đăng ký kinh doanh, Cơ quan Công an, Tổ chức tín dụng, Tòa án, Kiểm toán nhà nước, Hội đồng nhân dân các cấp,...

8. Về hiệu lực thi hành

Thời gian Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 và được tổ chức thực hiện trong thời hạn 03 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành./.

hanoi.gdt.gov.vn

Bài viết liên quan

Instructions to see the valuation of land by location
If you know the instructions on how to see the price of land by location in the land price list of…
Value-added tax is expected to be reduced to 8% from the beginning of February
In the draft Decree detailing the implementation of tax exemption and reduction policies according…
The bank must determine the net loss limit for interest rate derivatives
The State Bank of Vietnam has just issued Circular No. 25/2021/TT-NHNN (Circular 25) amending and…
Employees who have to return home before the deadline are supported up to 20 million VND
Deputy Prime Minister Le Minh Khai signed Decision No. 40/2021/QD-TTg on the Fund to support…
Decree No: 02/2022/ND-CP dated January 6, 2022 of the GovernmentDecree No: 02/2022/ND-CP dated January 6, 2022 of the Government
On January 6, 2022, the Government issued Decree No. 02/2022/ND-CP detailing the implementation of…