Khẳng định vốn nhà nước trong dự án PPP là để đảm bảo tính khả thi tài chính, chứ không phải là “tài trợ” cho nhà đầu tư, Ban soạn thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) cho rằng cần có cách hiểu đúng về vấn đề này.
Dự án PPP là dự án có tính chất “công”, hết thời hạn hợp đồng, công trình dự án thuộc về nhà nước.
Đảm bảo tính khả thi tài chính
Thông tin làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến vấn đề vốn nhà nước trong dự án PPP, Ban soạn thảo Luật PPP cho biết, quy định về giới hạn tỷ lệ mức vốn nhà nước hỗ trợ dự án PPP đã từng được sửa đổi nhiều lần qua các văn bản pháp lý khác nhau.
Cụ thể như: Nghị định số 108/2009/NĐ-CP quy định tỷ lệ này không quá 49% tổng mức đầu tư, Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg quy định tỷ lệ không quá 30% tổng mức đầu tư.
Tại Dự thảo lần này (Điều 71 khoản 2), các cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự kiến trình Quốc hội thảo luận giá trị 50% tổng mức đầu tư để đảm bảo đúng tính chất công tư, để hạn chế các trường hợp có một số dự án sử dụng phần vốn nhà nước quá lớn.
Về vấn đề có nên phân tách phần công và phần tư trong dự án PPP, Ban soạn thảo nhấn mạnh, vốn nhà nước chỉ tham gia trong trường hợp: hỗ trợ xây dựng công trình, cơ sở hạ tầng giai đoạn đầu tư xây dựng nhằm gia tăng tính hiệu quả về tài chính cho dự án; kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; hỗ trợ xây dựng công trình tạm (nếu có) theo quy định của pháp luật về đầu tư công; các chi phí cho các cơ quan nhà nước triển khai, thực hiện dự án; chi phí chi trả phần giảm doanh thu...
“Do đó, phần vốn nhà nước trong dự án PPP là để nhằm đảm bảo tính khả thi tài chính chứ không phải là “tài trợ” cho nhà đầu tư. Dự án PPP là dự án có tính chất “công” và hết thời hạn hợp đồng, công trình dự án vẫn thuộc về nhà nước. Hơn nữa, nếu tách hạng mục đầu tư sử dụng vốn đầu tư công và vốn tư nhân để áp dụng các “thủ tục đầu tư” khác nhau sẽ dẫn đến gấp đôi thủ tục”, Ban soạn thảo lí giải.
Chính vì vậy, Dự thảo Luật (Điều 72 khoản 5) quy định theo hướng Nhà nước quản lý chặt chẽ phần công trong dự án PPP trên cơ sở quản lý “đầu ra” theo hợp đồng – là chất lượng dịch vụ công của dự án do nhà đầu tư cung cấp.
DN dự án PPP được phát hành trái phiếu
Đồng thời, nhằm quản lý chặt chẽ phần công trong dự án PPP nhưng cũng đảm bảo tính linh hoạt để phù hợp với đặc điểm của từng dự án, Dự thảo quy định 2 cơ chế quản lý, sử dụng phần vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công.
Cụ thể gồm: Tách thành một dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công trong dự án PPP; hoặc, giải ngân cho DN dự án PPP theo hạng mục cụ thể, tỷ lệ, giá trị, tiến độ và điều kiện quy định tại hợp đồng.
Cũng liên quan đến vấn đề vốn của dự án PPP, Luật PPP bổ sung quy định cho phép DN dự án PPP phát hành trái phiếu DN để đa dạng hóa thu hút nguồn lực đầu tư.
Đây là nội dung mới và nhận được sự đồng thuận cao, mở ra kênh huy động nguồn vốn từ xã hội cho hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ công.
Dự thảo Luật quy định việc phát hành trái phiếu (trái phiếu dự án/công trình), đảm bảo đúng quy định hiện hành, tính kỷ luật của thị trường và an toàn cho nhà đầu tư.
“Tuy nhiên, dự thảo Luật không quy định việc phát hành cổ phiếu đại chúng vì hoạt động này làm thay đổi cấu trúc sở hữu của DN, gây áp lực về việc giảm chi phí tăng lợi nhuận, không đảm bảo duy trì hoạt động cung cấp dịch vụ công theo hợp đồng đã ký”, Ban soạn thảo Luật PPP thông tin.
Trích nguồn
Hoài Anh