Tại trụ sở Văn phòng Chính phủ, sáng ngày 01/07/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Điều hành giá sáng ngày 01/07/2020 tổng kết công tác điều hành giá và định hướng công tác điều hành giá 6 tháng cuối năm 2020. Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra bốn vấn đề chính để các Bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế thảo luận, trao đổi trong cuộc họp đó là: (i) mức tăng trưởng GDP, (ii) bảo đảm an sinh xã hội, (iii) kiểm soát lạm phát dưới 4% theo Nghị quyết của Chính phủ và (iv) bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thứ trưởng Trần Xuân Hà đại diện Bộ Tài chính – Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo điều hành giá đã báo cáo tóm tắt các nội dung về công tác điều hành giá 6 tháng đầu năm và dự báo, đề xuất, kiến nghị về công tác điều hành giá 6 tháng cuối năm. Theo đánh giá chung, mặt bằng giá cả thị trường trong 6 tháng đầu năm 2020 có diễn biến tăng giảm đan xen, chịu ảnh hưởng chủ yếu từ các yếu tố cung cầu thay đổi trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid – 19; mặt bằng giá tăng cao vào tháng 1 chủ yếu do yếu tố quy luật dịp lễ Tết, sau đó chuyển xu hướng giảm trong các tháng tiếp theo do nhu cầu thị trường thấp trong thời điểm dịch bệnh, và dần hồi phục trở lại mức bình thường khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát trong tháng 5 và tháng 6. Từ đó đưa CPI bình quân giảm dần từ mức cao 6,43% về mức 4,19% trong 6 tháng đầu năm, dần tiệm cận với mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% do Quốc hội và Chính phủ đề ra.
Một số nguyên nhân làm tăng áp lực lên mặt bằng giá là: (i) Giá nhiên liệu xăng dầu LPG tăng trở lại vào thời điểm tháng 5, tháng 6 theo giá thế giới; (ii) Giá thịt lợn ở mức cao trong 5 tháng đầu năm và chỉ bắt đầu có xu hướng giảm trong tháng 6; (iii) Giá gạo và vật tư y tế, thuốc phòng và chữa bệnh có xu hướng tăng do nhu cầu phục vụ xuất khẩu tăng trước tác động phức tạp của dịch bệnh trên thế giới; (iv) Tiêu dùng trong nước dần hồi phục sau khi nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, nhất là nhu cầu du lịch, ăn uống ngoài gia đình, tiêu dùng điện, nước mùa nóng.
Bên cạnh đó, một số nguyên nhân làm giảm áp lực lên mặt bằng giá như (i) Giá xăng dầu, LPG trong nước giảm mạnh trong thời điểm quý I và đầu quý II; (ii) Giá thuê nhà ở giảm do nhiều hộ gia đình giảm giá thuê nhà ở hỗ trợ người tiêu dùng trong tình hình dịch Covid-19; (iii) Chính sách về giảm giá điện cho tất cả các hộ tiêu dùng trong quý II; (iv) Chính phủ và các Bộ, ngành tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp về quản lý, điều hành giá; Đồng thời các chính sách về tài khóa, tiền tệ được triển khai đồng bộ, toàn diện đã góp phần ổn định mặt bằng giá cả thị trường.
Sau khi nghe báo cáo tổng hợp của Bộ Tài chính, ý kiến phát biểu của các Bộ, ngành khác và của các chuyên gia kinh tế; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự cố gắng của các Bộ, ngành, địa phương đã rất quyết tâm, nỗ lực triển khai các giải pháp để kiểm soát lạm phát và đã đạt được kết quả thuận lợi, nhất là trong bối cảnh có những thời điểm rất khó khăn. Đối với 6 tháng cuối năm, Ban Chỉ đạo nhất trí cao và sẽ quyết tâm thực hiện mục tiêu tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo sự ổn định, nền tảng thuận lợi cho các nhà đầu tư, hỗ trợ và phát triển sản xuất kinh doanh, củng cố niềm tin của doanh nghiệp, người dân. Ban chỉ đạo kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%, tiếp tục quyết liệt trong chỉ đạo điều hành giá nhất là thận trọng trong việc lựa chọn thời điểm, mức độ, điều chỉnh đồng bộ với áp dụng các công cụ chính sách để không ảnh hưởng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát. Chính phủ tiếp tục khẳng định kiểm soát lạm phát nhưng không thực hiện thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ; các chính sách kiểm soát lạm phát phải gắn với thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, kích thích tăng trưởng.
Trích nguồn
Trang Ngô