Đổi mới chính sách tài chính về đất đai theo hướng hiệu quả, bền vững.

Đất đai là vấn đề phức tạp và nhạy cảm. Chính sách về giá đất thời gian qua đã phần nào hài hòa lợi ích của các bên, góp phần tăng thu cho ngân sách.

Giá đất tại nhiều địa phương đã dần sát với giá thị trường.

Giá đất tại nhiều địa phương đã dần sát với giá thị trường. Ảnh: T.T

Tuy nhiên, việc xác định giá đất chưa sát thị trường, gây thất thoát ngân sách, do đó trong thời gian tới cần hoàn thiện cơ chế định giá đất, đổi mới chính sách tài chính về đất đai nhằm đảm bảo minh bạch, phù hợp với giá thị trường.

Tỷ trọng thu từ đất khá cao trong cơ cấu thu 

Chính sách, pháp luật về giá đất trong thời gian vừa qua đã có nhiều đổi mới, từng bước đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư, qua đó làm tăng thu từ đất đai cho ngân sách nhà nước (NSNN).

Về giá đất, Chính phủ đã ban hành khung giá đất (Nghị định số 104/2014/NĐ-CP); 63 tỉnh, thành phố đã xây dựng, ban hành và công bố công khai bảng giá đất theo quy định. Bảng giá đất của các địa phương quy định giá đất ở tại đô thị, giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại đô thị; đất thương mại, dịch vụ tại đô thị và đất nông nghiệp trên địa bàn. Một số địa phương đã xây dựng bảng giá đất gắn với hồ sơ địa chính, đến từng thửa đất.

Công tác xác định giá đất cụ thể đã được các tỉnh, thành phố thực hiện theo quy trình chặt chẽ (thông qua hội đồng thẩm định giá đất cấp tỉnh thẩm định trước khi UBND quyết định giá đất). Việc xác định giá đất đa số được thực hiện qua hình thức thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất nên đã tạo sự khách quan trong công tác định giá đất. 

Bảng giá đất và giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quy định đã phù hợp hơn với giá đất phổ biến trên thị trường so với trước đây, tạo ra nguồn thu lớn cho NSNN; đồng thời bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người sử dụng đất, lợi ích của Nhà nước, chủ đầu tư.

Về quản lý tài chính đất đai, các nguồn thu từ đất, theo báo cáo của 57 địa phương, số thu NSNN đối với đất đô thị tăng dần hàng năm giai đoạn 2014 - 2018, với tổng số thu NSNN khoảng hơn 372.516 tỷ đồng. Nhiều địa phương hiện nay có số thu từ đất chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu thu NSNN. Các khoản thu ngân sách về đất như tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, các loại thuế, phí, lệ phí từ đất về cơ bản đã được thu đầy đủ, kịp thời vào NSNN, với mức độ tăng dần năm sau cao hơn năm trước.

Giá đất phải sát thị trường, tránh thất thoát 

Tuy nhiên, thực tế đã xuất hiện nhiều bất cập, từ việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị. Ở một số đô thị, công tác quản lý theo quy hoạch đô thị được duyệt chưa được kiểm soát chặt chẽ, dẫn tới việc triển khai vượt quá các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt, gây lãng phí đất đai và nguồn lực xã hội. Theo quy định của pháp luật về đất đai, một số dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất. Nhưng trong thực tế, do các địa phương không đủ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch, nên đã lựa chọn đấu thầu dự án.

Một số dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa vào sử dụng hoặc chậm tiến độ gây tình trạng lãng phí đất đai. Việc rà soát, phê duyệt phương án và xác định giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở một số nơi chưa đảm bảo công khai minh bạch, gây thất thu cho NSNN. Việc xác định giá đất cụ thể trong một số trường hợp còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời tiến độ thu tiền sử dụng đất, thuê đất, tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.

Tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về nâng cao hiệu quả chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Trong đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ sớm đổi mới chính sách tài chính về đất đai và giá đất theo hướng hiệu quả, bền vững; xây dựng khung giá đất phù hợp với giá thị trường; tiếp tục hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất bảo đảm khách quan, minh bạch, phù hợp với giá thị trường... 

Theo ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong thời gian chưa kịp sửa Luật Đất đai và pháp luật khác có liên quan,  Quốc hội nên ban hành nghị quyết thí điểm để xử lý một số nội dung liên quan đến quản lý đất đai, quy hoạch đô thị như: tập trung, tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn; định giá đất theo mô hình vùng giá trị… Theo ông Võ, thời gian tới cần hoàn thiện cơ chế định giá đất đảm bảo minh bạch, phù hợp với giá thị trường, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Đồng thời, xây dựng cơ chế, lộ trình thực hiện cho thuê đất chủ yếu theo hình thức trả tiền hàng năm, phù hợp với mục đích sử dụng đất, bảo đảm nguồn thu ổn định, tránh thất thoát cho NSNN.

Minh Anh

Bài viết liên quan

Ảnh
Lượng cung thấp hơn lực cầu, lượng giao dịch nhà thổ cư Hà Nội không có dấu hiệu sụt giảm trong…
Ảnh
Cần quy có quy định bắt buộc chủ đầu tư đăng ký xếp hạng chung cư theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng…
Ảnh
Nếu tách thửa không hình thành lối đi mới, tại phường, thị trấn, thửa đất phải bảo đảm chiều dài từ…
Ảnh
Trong thời gian qua, thực tiễn đấu giá quyền sử dụng đất tại Việt Nam đã bộc lộ nhiều bất cập, cần…
Ảnh
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Kế hoạch về việc thúc đẩy tăng trưởng, kiểm…