Nhiều Đại biểu quốc hội đã tham gia góp ý vào Dự thảo Luật Giá, trong đó nhấn mạnh đến việc bổ sung điện vào diện hàng hoá bình ổn và đề xuất quy định xác định mức giá dịch vụ thẩm định giá.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh. (Ảnh: QH)
Chiều 23/5, Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá. Theo đó, chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng quy định rõ hơn nữa nguyên tắc thị trường trong quản lý giá, nguyên tắc định giá của Nhà nước; làm rõ quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc tự định giá hàng hóa, dịch vụ của mình.
Đối với một số lĩnh vực đặc thù như đất đai, sở hữu trí tuệ, điện, học phí, dịch vụ giáo dục, dịch vụ khám chữa bệnh, nhà ở, dự thảo Luật đã quy định rõ những vấn đề được thực hiện theo pháp luật chuyên ngành. Nội dung này được thể hiện tại khoản 4 Điều 3 của dự thảo Luật và Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá...
Đối với thẩm quyền quyết định Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, dự thảo Luật giữ như quy định của Luật hiện hành, Quốc hội quyết định Danh mục. Trường hợp cần điều chỉnh, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Đối với Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng trong điều kiện hiện nay nên duy trì Quỹ bình ổn giá xăng, dầu. Tuy nhiên, đề nghị cần đổi mới trong quản lý, điều hành giá mặt hàng xăng, dầu.
Đối với quy định về thẩm định giá, dự thảo Luật đã hoàn thiện theo hướng quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, cơ quan tương ứng với công việc mà mình thực hiện. Đồng thời, bổ sung 02 Điều bao gồm về quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập Hội đồng thẩm định giá và quyền, nghĩa vụ của thành viên Hội đồng thẩm định giá; quy định rõ hơn về phạm vi thẩm định giá của Nhà nước; bổ sung quy định về nguyên tắc hoạt động của Hội đồng thẩm định giá.
Thảo luận tại hội trường, góp ý dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đã đề xuất bỏ giá trần, giá sàn đối với vé máy bay. Theo Đại biểu, nếu để giá trần, giá sàn sẽ không phù hợp với chủ trương tinh thần Nghị quyết 11, Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng XII. Bên cạnh đó, việc bỏ giá trần, giá sàn đối với vé máy bay cũng sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình vận tải khác, đảm bảo các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
ĐBQH Tạ Văn Hạ cũng cho rằng vận tải hàng không không phải là dịch vụ thiết yếu. Cũng như vận tải đường sắt, các hãng vận tải phải có sự cạnh tranh công bằng trong dịch vụ vận tải, phản ánh đúng quy định thị trường và quy luật cung cầu. Đồng thời tạo điều kiện để các hãng hàng không thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, đưa nhiều chương trình giá phù hợp, tăng các mức giá rẻ nhằm kích cầu và khuyến khích người dân tham sử dụng dịch vụ vận tải hàng không.
Ngoài ra, một số ĐBQH góp ý về 10 loại hàng hóa, dịch vụ bình ổn, tuy nhiên, không bao gồm giá điện. Các Đại biểu cho rằng nên bổ sung giá điện vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. Vì đây là hàng hóa, dịch vụ quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp, tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, loại hàng hóa này chỉ có tăng, không có giảm. Tuy nhiên, việc tăng giá điện này vẫn chưa đủ để bù đắp chi phí, dẫn đến ngành điện bị lỗ lớn, gây ra mất cân đối dòng tiền và kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Tham gia góp ý liên quan đến nội dung thẩm định giá, ĐBQH Phạm Thị Kiều, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho biết, để góp phần hoàn thiện, tránh sự lúng túng trong quá trình thực hiện, cần bổ sung thêm quy định về cơ sở, nguyên tắc, phương pháp, quy trình thẩm định giá của Nhà nước.
Về nguyên tắc xác định giá dịch vụ thẩm định giá, Điều 57 của dự thảo Luật đang quy định: “Giá dịch vụ thẩm định giá thực hiện theo giao dịch dân sự giữa doanh nghiệp thẩm định giá với khách hàng thẩm định giá và được ghi trong hợp đồng thẩm định giá; đảm bảo nguyên tắc bù đắp chi phí thực tế hợp lý để thực hiện đầy đủ các hoạt động theo phạm vi công việc được quy định tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam”.
Đại biểu cho biết, hiện nay, nhu cầu thuê tổ chức thẩm định giá để thực hiện thẩm định giá tài sản trong mua sắm tài sản công, xử lý các vấn đề liên quan đến định giá tài sản là rất lớn, tuy nhiên, mức giá dịch vụ thẩm định giá được xác định như thế nào lại chưa được quy định rõ, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung quy định về căn cứ xác định giá dịch vụ thẩm định giá.
Bên cạnh đó, về vấn đề thẻ thẩm định viên về giá, Đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cho rằng cần có quy định cụ thể về vấn đề này. Bởi nếu quy định còn chung chung, thì tất cả những người có bằng đại học đều có thể tham dự kì thi và trở thành thẩm định viên về giá là chưa hợp lý. Do vậy, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị nên quy định cụ thể về bằng đại học một chuyên ngành cụ thể nào đó liên quan đến thẩm định giá sẽ có tính khả thi hơn. Đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định này, hoặc có thể giao Chính phủ quy định chi tiết để đúng ngành.
Còn Đại biểu Triệu Quang Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn bổ sung đối tượng là viên chức không được tham gia thẩm định giá nhằm đảm bảo tính độc lập, khách quan trong quá trình thẩm định giá.
Trích nguồn
Tạp chí Điện tử Nhịp sống thị trường