“Khó khăn gấp đôi thì cố gắng gấp ba”

Đây là tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại kết luận phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2020 được tổ chức sáng 5/5 tại Hà Nội. Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, cần quán triệt tinh thần “khó khăn gấp đôi thì cố gắng gấp ba”, chung sức, đồng lòng, quyết liệt trên mặt trận sản xuất, kinh doanh và cảnh giác dịch bệnh. Phải tập trung hơn nữa khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%.

NQH00583.jpgThủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2020

Tình hình kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Có thể nói, đến nay dịch bệnh cơ bản được kiểm soát khi Chính phủ triển khai các biện pháp mạnh để tận dụng “thời gian vàng” chống dịch và chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế ngắn hạn.

Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến kinh tế Việt Nam trong tháng 4/2020. Theo số liệu của ngành thống kê, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 giảm 10,5% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 4 tháng chỉ tăng 1,8%, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.

Hoạt động mua sắm hàng hóa, chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh, nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành phải tạm đóng cửa; 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm 4,3% (riêng tháng 4 giảm 26%).

CPI tháng 4/2020 giảm 1,54% so với tháng trước. Tuy nhiên, CPI bình quân 4 tháng so với cùng kỳ tăng 4,9%, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng tăng 2,96% so với bình quân cùng kỳ.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn; tái đàn lợn còn chậm; dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng.

04 tháng đầu năm, cả nước có 37.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 13,2% và giảm 17,9% vốn đăng ký, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 22.700 doanh nghiệp, tăng 33,6%.

Xuất nhập khẩu hàng hóa được xem là điểm sáng duy nhất của nền kinh tế. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 3,4%; trong đó xuất khẩu tăng 4,7%; nhập khẩu tăng 2,1%. Xuất siêu trên 3 tỷ USD.

Tại Phiên họp, Chính phủ đã thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2020; Dự thảo Nghị quyết của UBTVQH ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn NSNN giai đoạn 2021-2025 theo trình tự thủ tục rút gọn; tình hình phòng chống dịch COVID-19; định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2021; báo cáo tình hình triển khai Nghị quyết số 17/NQ-CP và một số vấn đề khác…

Thúc đẩy nền kinh tế bật dậy

Phát biểu kết luận Phiên họp, cơ bản thống nhất những nội dung đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2020, Thủ tướng hoan nghênh những ý kiến đóng góp của các đồng chí lãnh đạo, thành viên Chính phủ.

Các ý kiến phát biểu tại phiên họp đều cho rằng tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 thể hiện rõ nét ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 đến hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, nhất là các ngành công nghiệp, chế biến chế tạo, xây dựng, dịch vụ vận tải, hàng không, du lịch. Nhiều ngành trong khối này đã giảm, như hàng không đã giảm đến 98%, du lịch quốc tế đã giảm tới 94,2%. Theo Thủ tướng, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn và một bộ phận không ít người lao động không có thu nhập, nghỉ việc.

Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng, Việt Nam vẫn duy trì được nền tảng khá tốt, kinh tế tăng trưởng quý I đạt 3,82%, dù thấp hơn cùng kỳ năm trước rất nhiều nhưng cũng ở mức cao nhất trong khu vực ASEAN và châu Á.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số Nghị định, Chỉ thị, Nghị quyết đúng đắn, kịp thời và đã đi vào cuộc sống. Tại phiên họp, Chính phủ thống nhất cao cần ban hành Nghị quyết chuyên đề về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Đề cập đến phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng nêu rõ, đến nay, chúng ta kiểm soát được dịch bệnh, đẩy lùi COVID-19 tại Việt Nam, nước có tỷ lệ số ca lây nhiễm trên dân số thấp nhất. Tuy nhiên, không được chủ quan, mất cảnh giác, vẫn tiếp tục chưa cho khách du lịch quốc tế vào Việt Nam, vẫn đeo khẩu trang nơi đông người. Kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát trở lại.

Chính phủ đã có nhiều chính sách, biện pháp tháo gỡ khó khăn, kịp thời, hợp lòng dân, đặc biệt là lần đầu tiên Đảng, Nhà nước trực tiếp hỗ trợ cho 20 triệu người khó khăn. Thủ tướng nhắc lại yêu cầu, phải đưa tiền đến đúng đối tượng, kịp thời gian.

“Tại phiên họp này tất cả các đồng chí thành viên Chính phủ và các vị đại biểu đều thống nhất quan điểm tiếp tục thực hiện mục tiêu kép trong tình hình mới, đặc biệt là phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, thực hiện nới lỏng để phát triển kinh doanh, nhất là các vùng công nghiệp trọng điểm, các đô thị lớn, những điểm tham quan nổi tiếng để phát triển mạnh du lịch nội địa”, Thủ tướng nói và giao cho chính quyền địa phương căn cứ thực trạng tình hình trên địa bàn thực hiện các biện pháp, đối sách phù hợp.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, cần quán triệt tinh thần “khó khăn gấp đôi thì cố gắng gấp ba”, chung sức, đồng lòng, quyết liệt trên mặt trận sản xuất, kinh doanh và cảnh giác dịch bệnh. Một tinh thần quyết tâm vượt khó khăn, thách thức trên mặt trận phát triển kinh tế-xã hội, khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết thúc đẩy nền kinh tế bật dậy, phát triển mạnh sau dịch.

5 mũi đột phá để tăng trưởng

Thủ tướng đề nghị từng đồng chí lãnh đạo bộ, ngành, địa phương sâu sát hơn, giải quyết kịp thời các bức xúc của người dân và doanh nghiệp. Đề cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu, kiên quyết không để cơ quan hành chính, thủ tục hành chính, cán bộ, công chức cản trở sự phát triển. Tất cả các cơ quan phải thực hiện nghiêm tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên. Phải xắn tay áo lên, vào cuộc, tháo gỡ cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phát triển ngành, địa phương mình trong phạm vi được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.

Thủ tướng nêu rõ, phải tập trung hơn nữa khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%, chứ không phải như dự báo của IMF là Việt Nam chỉ có thể tăng trưởng 2,7%. Kiểm soát lạm phát dưới 4%. Muốn như vậy, thu hút FDI, đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa là 5 mũi đột phá để tăng trưởng, phát triển, vượt qua khó khăn giai đoạn này.

Trong bối cảnh tình hình thế giới vô cùng khó khăn, nhiều nước tăng trưởng âm, nước ta lại hội nhập quốc tế sâu rộng, do đó, cần xem xét điều chỉnh phù hợp một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội. Việc này cần làm ngay và báo cáo Bộ Chính trị, báo cáo Quốc hội ngay tại kỳ họp tới. Với tinh thần đó, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương và Văn phòng Chính phủ, các cơ quan liên quan khẩn trương cập nhật kịch bản tăng trưởng, điều chỉnh chỉ tiêu tăng GDP, các chỉ tiêu liên quan, trên cơ sở đó, Bộ Tài chính điều chỉnh kế hoạch thu ngân sách, bội chi và nợ công.

Trích nguồn

TT (T/h)

Bài viết liên quan

Ảnh
UBND TP. Hà Nội vừa ký Quyết định số 55/2024/QĐ-UBND về việc ban hành quy định một số nội dung…
Ảnh
Lượng cung thấp hơn lực cầu, lượng giao dịch nhà thổ cư Hà Nội không có dấu hiệu sụt giảm trong…
Ảnh
Cần quy có quy định bắt buộc chủ đầu tư đăng ký xếp hạng chung cư theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng…
Ảnh
Nếu tách thửa không hình thành lối đi mới, tại phường, thị trấn, thửa đất phải bảo đảm chiều dài từ…
Ảnh
Trong thời gian qua, thực tiễn đấu giá quyền sử dụng đất tại Việt Nam đã bộc lộ nhiều bất cập, cần…