Mạnh tay sàng lọc, đảm bảo hiệu quả cho nguồn vốn FDI.

Sau hơn 30 năm mở cửa, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Việt Nam đã gặt hái những thành quả đáng khích lệ. Đến nay, tổng vốn đăng ký FDI đạt trên 381 tỷ USD. Trong đó, vốn thực hiện đạt trên 223 tỷ USD, bằng 58,5% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Mạnh tay sàng lọc đảm bảo hiệu quả cho nguồn vốn FDI

Đóng góp quan trọng

Do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, 8 tháng đầu năm 2020, FDI toàn cầu năm nay có khả năng giảm đến 40% nhưng kết quả thu hút FDI của Việt Nam vẫn tương đối khả quan với tổng vốn đăng ký gần 20 tỷ USD. Trong đó, tổng vốn đăng ký mới tăng 6,6% và vốn đăng ký tăng thêm cao hơn 22,2% cùng kỳ. Mặc dù, đầu tư nước ngoài 8 tháng năm 2020 giảm sút so với cùng kỳ năm trước, song xét trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thì kết quả này tốt hơn nhiều quốc gia khác. “Điều này đã thể hiện sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế,” Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Đáng chú ý là ngày càng xuất hiện nhiều dự án có công nghệ hiện đại, tập trung vào hoạt động nghiên cứu và chế tạo để tạo ra sản phẩm chất lượng, có tác dụng lan tỏa và tham gia đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế. Hiện đã có trên 180 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào Việt Nam, được thực hiện trong hầu hết các ngành nghề và lĩnh vực của nền kinh tế, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đồng thời, từ nguồn vốn này đã hình thành những ngành công nghiệp chủ lực như viễn thông, dầu khí, điện tử, hóa chất, thép, ôtô xe máy, công nghệ thông tin, da giày, dệt may, chế biến nông sản thực phẩm… Qua đó, FDI đã đóng góp lớn trong việc gia tăng năng lực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Đến nay, khu vực FDI chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam có độ mở ngày càng cao và tăng lên tương đối nhanh, đã khai thác được thế mạnh của kinh tế trong nước và tranh thủ được thị trường thế giới.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, có tác dụng to lớn trong việc thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao năng lực quản lý và trình độ công nghệ cho nền kinh tế. Đặc biệt, hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài đã thúc đẩy việc mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại giữa nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy đóng góp một phần vô cùng quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, việc quá mở cửa để thu hút FDI cũng đang dẫn đến những hệ lụy về môi trường mà chúng ta đã và đang chứng kiến trong thời gian vừa qua.

Một trong những ví dụ điển hình cho sự quá ưu ái các doanh nghiệp FDI dẫn đến việc phải đánh đổi môi trường gần đây nhất là trường hợp của Nhà máy Formosa (Hà Tĩnh). Trước đó, Vedan cũng đã từng khiến dư luận nổi sóng vì xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường. Không chỉ mang lại những bất cập lớn về môi trường, các hành vi chuyển giá của doanh nghiệp FDI cũng mang lại những tổn thất lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Với hàng loạt những hệ lụy đã và đang xảy đến đối với môi trường sống của Việt Nam, giới chuyên gia kinh tế cảnh báo, việc quá dễ dãi trong thu hút đầu tư nước ngoài có thể biến Việt Nam trở thành bãi rác thải về công nghệ. Đặc biệt gần đây, nền kinh tế còn chứng kiến sự thâm nhập ngày càng nhiều các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc. Điều này càng dấy lên trong dư luận những lo ngại về nguy cơ được dịch chuyển sang Việt Nam những công nghệ lạc hậu. Cùng với đó những chuyển dịch đầu tư gắn với xuất, nhập khẩu gần đây đang đặt nước ta đối mặt với thách thức không nhỏ. Hơn nữa, chuyển dịch đầu tư bất thường đã dấy lên lo ngại Việt Nam thành “bãi đáp” cho các doanh nghiệp nước ngoài lẩn tránh các biện pháp áp thuế quan và các biện pháp khác của Mỹ. Đồng thời, xu hướng này cũng làm trầm trọng thêm vấn đề cạnh tranh, chèn lấn của doanh nghiệp FDI đối với doanh nghiệp trong nước, vốn đã hiện hữu trong nhiều năm.

Mạnh tay sàng lọc đảm bảo hiệu quả cho nguồn vốn FDI

Tiếp nhận có chọn lọc

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chúng ta không nên đổ lỗi hoàn toàn cho các doanh nghiệp FDI. Vấn đề quan trọng hiện nay là cơ quan tiếp nhận đầu tư cần phải tỉnh táo, phải có sự chọn lọc. “Nếu nhà đầu tư Trung Quốc hay bất kỳ nhà đầu tư nước nào mang đến Việt Nam công nghệ cao thì chúng ta vẫn hoan nghênh. Còn nếu mang vào công nghệ thấp thì chắc chắn sẽ chặn cửa và loại bỏ”- ông Toàn nêu quan điểm và cho rằng: đây không phải là mối lo, mà yếu tố quyết định nằm ở chính nhà quản lý. Nếu thu hút có sự kiểm soát và có chọn lọc thì sẽ tránh được nhiều hệ lụy.

Trên thực tế thời gian qua, việc thu hút đầu tư của các địa phương lớn trong cả nước cũng đã từng bước có sự chọn lọc. Điển hình như Đồng Nai - địa phương nằm trong top thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao nhất cả nước đã luôn xác định việc thu hút FDI có chọn lọc nhằm hướng đến những dự án có chất lượng để phát triển công nghiệp bền vững. Thực tế tại Đồng Nai có những dự án FDI có số vốn không lớn, nhưng có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mang lại thu nhập ổn định cho người lao động. Ngược lại, đối với các dự án có số vốn lớn song nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều lao động hoặc đóng góp cho ngân sách, xã hội ít đều bị từ chối. Hơn 10 năm trở lại đây, những dự án FDI thu hút được của tỉnh Đồng Nai đều có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và đa phần thuộc lĩnh vực tỉnh ưu tiên thu hút là công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao. Các dự án FDI thu hút được đều có chất lượng, có giá trị gia tăng cao nên doanh thu của các doanh nghiệp FDI, đóng góp cho ngân sách nhà nước mỗi năm đều tăng trên 10% (tương đương hơn 2.500 tỷ đồng).

Hiệu quả của việc thu hút đầu tư có chọn lọc kỹ càng là các ngành công nghiệp Đồng Nai phát triển đúng theo định hướng. Cụ thể là lĩnh vực chế biến, chế tạo chiếm 84% tổng vốn đăng ký, còn lại là lĩnh vực bất động sản, thương mại dịch vụ và nông nghiệp. Các doanh nghiệp FDI đã giải quyết việc làm cho gần 1 triệu lao động của địa phương và các tỉnh, thành trong cả nước với mức lương bình quân từ 7-9 triệu đồng/tháng.

Tương tự với lựa chọn nhà đầu tư, cần ưu tiên dự án đầu tư công nghệ cao, sử dụng ít lao động, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trải thảm mời gọi đầu tư, thủ tục hành chính thông thoáng, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp nhưng với những doanh nghiệp vốn ít, công nghệ lạc hậu sẽ thẩm định một cách thận trọng, kỹ càng và lựa chọn đầu tư đáp ứng các tiêu chí mà tỉnh đề ra.

Nhằm đảm bảo hiệu quả cho việc thu hút đầu tư thì việc thu hút, xúc tiến đầu tư phải chọn lọc, kiên quyết từ chối các dự án công nghệ thấp, lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, những dựa án có dấu hiệu núp bóng đầu tư để lẩn tránh xuất xứ, gian lận thương mại. Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiên quyết chấm dứt tình trạng đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”; kiểm soát, ngăn chặn chuyển giá ngay từ khi thành lập doanh nghiệp, nâng khống giá trị máy móc thiết bị”.

Trích nguồn

 Hạo Nam

Bài viết liên quan

Ảnh
Giá cao so với các sản phẩm khác, gặp khó về sinh lợi đầu tư khiến cho việc bán các sản phẩm bất…
Ảnh
Thị trường bất động sản năm 2024 dự kiến sẽ minh bạch hơn nhờ những quy định mới được thực thi theo…
Ảnh
UBND TP. Hà Nội vừa ký Quyết định số 55/2024/QĐ-UBND về việc ban hành quy định một số nội dung…
Ảnh
Lượng cung thấp hơn lực cầu, lượng giao dịch nhà thổ cư Hà Nội không có dấu hiệu sụt giảm trong…
Ảnh
Cần quy có quy định bắt buộc chủ đầu tư đăng ký xếp hạng chung cư theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng…