Một số vấn đề về định giá, định giá lại kê biên để thi hành án

Định giá tài sản có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình giải quyết việc thi hành án dân sự; là một khâu trong quy trình cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản để thi hành án. Việc định giá tài sản này nhằm xác định giá khởi điểm để bán đấu giá, thi hành nghĩa vụ trả tiền của người phải thi hành án. Do luôn gắn liền với biện pháp cưỡng chế thi hành án nên hoạt động định giá và bán đấu giá tài sản phải có những quy định cụ thể, rõ ràng, tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan thi hành án và chấp hành viên thực hiện nhiệm vụ đúng pháp luật, đảm bảo cho hiệu lực của bản án, quyết định dân sự của Tòa án đã tuyên được thi hành trên thực tế đạt hiệu quả.

 

Hình ảnh mang tính minh họa

Căn cứ theo Luật THADS Số: 26/2008/QH12 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự số 64/2014/QH13 quy định:

Quy định về định giá tài sản kê biên để thi hành án

Điều 98 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (LTHADS) có nêu:

1. Ngay khi kê biên tài sản mà đương sự thoả thuận được về giá tài sản hoặc về tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên lập biên bản về thỏa thuận đó. Giá tài sản do đương sự thoả thuận là giá khởi điểm để bán đấu giá. Trường hợp đương sự có thoả thuận về tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá đó.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kê biên tài sản, Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản kê biên trong các trường hợp sau đây:

a) Đương sự không thoả thuận được về giá và không thoả thuận được việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá;

b) Tổ chức thẩm định giá do đương sự lựa chọn từ chối việc ký hợp đồng dịch vụ;

c) Thi hành phần bản án, quyết định quy định tại khoản 1 Điều 36 của Luật này.

3. Chấp hành viên xác định giá trong các trường hợp sau đây:

a) Không thực hiện được việc ký hợp đồng dịch vụ quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Tài sản kê biên thuộc loại tươi sống, mau hỏng hoặc có giá trị nhỏ mà đương sự không thoả thuận được với nhau về giá. Chính phủ quy định về tài sản có giá trị nhỏ.”

Quy định về định giá lại tài sản

Việc định giá lại tài sản được thực hiện trong các trường hợp sau:

- Chấp hành viên có vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 98 của LTHADS 2008 dẫn đến sai lệch kết quả định giá tài sản (khoản 1 Điều 99);

- Đương sự có yêu cầu định giá lại trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản (khoản 2 Điều 99);

- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày bán đấu giá không thành mà đương sự không yêu cầu định giá lại thì Chấp hành viên ra quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục bán đấu giá. Mỗi lần giảm giá không quá mười phần trăm giá đã định (Điều 104). Như vậy, nếu trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày bán đấu giá không thành mà đương sự có yêu cầu định giá lại thì yêu cầu này được chấp nhận.

Trong ba trường hợp định giá lại theo các quy định trên, có hai trường hợp thuộc về quyền yêu cầu của đương sự (bao gồm người được thi hành án, người phải thi hành án).

Trình tự thực hiện định giá lại tài sản thi hành án

- Chấp hành viên có vi phạm nghiêm trọng quy định về định giá tài sản kê biên dẫn đến sai lệch kết quả định giá tài sản;

- Đương sự có yêu cầu định giá lại trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản. Yêu cầu định giá lại chỉ được thực hiện một lần và chỉ được chấp nhận nếu đương sự có đơn yêu cầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo về kết quả thẩm định giá và phải nộp ngay tạm ứng chi phí định giá lại tài sản;

- Chấp hành viên tổ chức định giá lại tài sản kê biên theo khoản 2, khoản 3 Điều 98 Luật THADS. Chấp hành viên thông báo cho đương sự biết về việc người yêu cầu định giá lại phải chịu chi phí định giá lại tài sản theo quy định của pháp luật;

- Giá thẩm định lại được lấy làm giá khởi điểm để bán đấu giá theo quy định

Ngoài ra, tại Điều 15, Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 quy định rất rõ về việc xác định giá đối với tài sản kê biên như sau:

1. Chấp hành viên xác định giá đối với tài sản kê biên có giá trị nhỏ là tài sản mà tại thời điểm xác định giá, sản phẩm cùng loại chưa qua sử dụng có giá bán trên thị trường không quá 2.000.000 đồng (hai triệu đồng);

2. Trường hợp do không ký được hợp đồng dịch vụ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 98 Luật Thi hành án dân sự, Chấp hành viên tham khảo ý kiến của cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn có liên quan trước khi xác định giá của tài sản kê biên”.

Theo các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự thì việc định giá tài sản kê biên để bán đấu giá hiện nay được tiến hành thông qua các hình thức: 

- Các bên đương sự thỏa thuận với nhau ngay khi kê biên tài sản;

- Thông qua tổ chức định giá do các bên đương sự thỏa thuận lựa chọn hoặc do Chấp hành viên chọn;

- Chấp hành viên xác định giá.

Trong thực tiễn công tác thi hành án dân sự việc định giá tài sản kê biên thường được thực hiện qua các tổ chức thẩm định giá do:

- Không tốn chi phí và thời gian thẩm định giá.

- Tránh được khiếu nại về giá tài sản cũng như sẽ thuận lợi hơn khi giao tài sản cho người trúng đấu giá.

Vì vậy mà hiện nay tài sản kê biên để thi hành án hầu hết đều được định giá thông qua một tổ chức thẩm định giá.

Giải quyết khiếu nại về định giá tài sản kê biên

Trường hợp khiếu nại việc xác định giá tài sản của Chấp hành viên và khiếu nại về hành vi của Chấp hành viên trong việc ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá (như: thời hạn, trình tự, thủ tục ký hợp đồng v.v.) thì được giải quyết theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.

Khiếu nại (tranh chấp) về kết quả định giá tài sản của tổ chức thẩm định giá được giải quyết theo pháp luật về thẩm định giá. Nghị định số 101/2005/NĐ-CP ngày 03/8/2005 của Chính phủ về thẩm định giá và Thông tư số 17/2006/TT-BTC ngày 13/3/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 101/2005/NĐ-CP quy định: Tổ chức thẩm định giá chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp và kết quả thẩm định giá. Việc xử lý tranh chấp về kết quả thẩm định giá thực hiện theo Điều 23 Nghị định số 101/2005/NĐ-CP nêu trên.

Như vậy, đối với những khiếu nại về kết quả thẩm định giá tài sản hoặc hành vi, quyết định của tổ chức thẩm định giá thì cơ quan thi hành án dân sự không thụ lý giải quyết. Nếu đương sự không đồng ý với kết quả thẩm định giá do tổ chức thẩm định giá đưa ra và yêu cầu định giá lại tài sản kê biên trước khi thông báo công khai việc bán đấu giá, thì Chấp hành viên tổ chức định giá lại theo quy định.

Tổng cục Thi hành án dân sự yêu cầu Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai đến các đơn vị, cá nhân thuộc các cơ quan thi hành án dân sự ở địa phương thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, thì kịp thời báo cáo về Tổng cục Thi hành án dân sự để có biện pháp chỉ đạo giải quyết.

Quyền yêu cầu định giá lại tài sản của đương sự

Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định đương sự có quyền yêu cầu định giá lại tài sản trong hai trường hợp sau:Trường hợp thứ nhất, trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản (khoản 2 Điều 98). Trường hợp thứ hai, trong thời hạn mười ngày kể từ ngày bán đấu giá không thành (Điều 104).

Trường hợp thứ nhất, quyền này được thực hiện sau khi kê biên, định giá tài sản cho đến trước khi thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản. Do không có một quy định nào buộc đương sự phải nêu ra lý do làm căn cứ cho yêu cầu của mình nên dẫn đến sự tùy tiện hoặc cố tình lợi dụng quyền yêu cầu định giá lại để kéo dài thời gian thi hành án một cách hợp pháp và đã gây khó khăn cho công tác thi hành án.

Trường hợp thứ hai, đương sự có thể thực hiện quyền yêu cầu định giá lại tài sản trong thời hạn mười ngày kể từ ngày bán đấu giá không thành. Trường hợp này người yêu cầu định giá lại vẫn không phải chịu một sự ràng buộc nào khi thực hiện quyền yêu cầu định giá lại tài sản. Hơn nữa, nếu đương sự không thực hiện quyền yêu cầu định giá lại tài sản, thì họ vẫn có thể thực hiện quyền này sau khi chấp hành viên ra quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục bán đấu giá. Vì theo quy định tại khoản 2 Điều 49 Nghị định 17 về bán đấu giá tài sản thì “Trong trường hợp tổ chức bán đấu giá lại thì trình tự, thủ tục bán đấu giá lại được tiến hành như đối với việc bán đấu giá tài sản lần đầu”. Do đó, đương sự có quyền yêu cầu định giá lại theo căn cứ ở trường hợp thứ nhất. Như vậy, rõ ràng quyền yêu cầu định giá lại tài sản kê biên của đương sự được LTHADS quy định rất thoáng. Điều này làm cho quá trình định giá, bán đấu giá và định giá lại dường như không có điểm dừng, trừ trường hợp đương sự không yêu cầu định giá lại hoặc tài sản được bán đấu giá thành.

Trên thực tế, việc yêu cầu định giá lại tài sản thường phát sinh từ phía người phải thi hành án và họ thực hiện quyền này vì các lý do cơ bản sau:

Thứ nhất, họ cho rằng giá tài sản đã định thấp hơn giá trị thực, giá thị trường của nó, gây thiệt hại cho họ thì đây là một yêu cầu hợp lý để bảo đảm quyền lợi của người phải thi hành án.

Thứ hai, họ yêu cầu định giá lại vì muốn kéo dài thời gian phải thi hành nghĩa vụ trả tiền, thì đây là một yêu cầu không chính đáng, làm cản trở việc thi hành án, gây thiệt hại cho người được thi hành án, làm cho quá trình giải quyết việc thi hành án kéo dài và phức tạp hơn.

 

Nguồn Internet

 

 

Bài viết liên quan

Hướng dẫn tái cơ cấu doanh nghiệp không đủ điều kiện cổ phần hóa.
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 05/2022/TT-BTC hướng dẫn tái cơ cấu doanh nghiệp không đủ điều…
Không còn cấp đất cho hộ gia đình từ 01/01/2025.
Đây là quy định mới đáng chú ý tại Luật Đất đai số 31/2024/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/…
Chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất trang trại chăn nuôi như thế nào?
Nhiều người dân muốn chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất trang trại chăn nuôi, thế nhưng vẫn chưa…
Thẩm định giá Dự án công trình Điện mặt trời.
Thẩm định giá dự án công trình điện mặt trời là gì? Cũng giống như thẩm định giá các dự án công…
Hoàn thiện cơ chế để giá bồi thường sớm tiệm cận giá thị trường thực tế.
Một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ các dự án đầu tư công, ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ giải…