Quốc hội thông qua Luật doanh nghiệp (sửa đổi).

Sáng ngày 17/6/2020, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật doanh nghiệp (sửa đổi) với kết quả 438/457 đại biểu tán thành thông qua (đạt 90.68%).

Kết quả biểu quyết thông quan Luật doanh nghiệp (sửa đổi). Ảnh: MPI

Luật doanh nghiệp (sửa đổi) gồm 10 chương 218 điều quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân; quy định về nhóm công ty.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ý kiến của các cơ quan của Quốc hội và Báo cáo số 291/BC-CP ngày 12/6/2020 của Chính phủ về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Về thông báo mẫu dấu của doanh ngiệp (Điều 43), một số ý kiến đồng ý việc bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu với Cơ quan đăng ký kinh doanh; một số ý kiến khác đồng ý giữ quy định yêu cầu phải thông báo mẫu dấu cho Cơ quan đăng ký kinh doanh như quy định của Luật hiện hành. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu không quy định thủ tục thông báo mẫu dấu với Cơ quan đăng ký kinh doanh trong dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu. Ảnh: MPI

Về hộ kinh doanh, một số ý kiến đồng ý với việc quy định một chương về hộ kinh doanh trong dự thảo Luật; một số ý kiến khác đồng ý xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu theo hướng bỏ quy định tại Chương VIIa về hộ kinh doanh; bỏ quy định về chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Đồng thời, để bảo đảm tính liên tục cho đến khi ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh, cần thiết giao Chính phủ hướng dẫn đăng ký và hoạt động đối với hộ kinh doanh (khoản 4 Điều 217 quy định về điều khoản thi hành).

Báo cáo cũng làm rõ một số nội dung về doanh nghiệp nhà nước (Điều 88); quyền của cổ đông phổ thông (Điều 115); chào bán trái phiếu riêng lẻ của công ty không đại chúng (Điều 128); quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp (Điều 7 và Điều 8); người đại diện theo pháp luật (Điều 12); quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp (Điều 17); trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp (Điều 26); trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp (Điều 208); trách nhiệm của cơ quan đăng ký kinh doanh (Điều 216)…

Luật doanh nghiệp (sửa đổi) được ban hành nhằm mục tiêu tổng quát là hoàn thiện khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực của thông lệ tốt, phổ biến ở khu vực và quốc tế; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút vốn, nguồn lực vào sản xuất kinh doanh; góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra là thuộc nhóm các nước ASEAN 4. Qua đó nhằm tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thành lập và đăng ký doanh nghiệp; cắt giảm chi phí và thời gian trong khởi sự kinh doanh. Đồng thời, nâng cao cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của doanh nghiệp; thúc đẩy quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực theo thông lệ tốt, phổ biến trong khu vực và quốc tế; nâng mức xếp hạng chỉ số bảo vệ nhà đầu tư.

Cùng với đó là nâng cao hiệu lực quản trị, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với doanh nghiệp mà nhà nước có phần vốn góp chi phối; tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh phát huy tối đa tiềm năng và lợi ích, đóng góp cho phát triển kinh tế. Tạo thuận lợi hơn, giảm chi phí trong tổ chức lại doanh nghiệp: sáp nhập, hợp nhất, chia, tách và chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.

Luật được xây dựng theo quan điểm tiếp tục kế thừa, phát huy kết quả và tác động tốt của các cải cách trong các Luật doanh nghiệp 2000, 2005 và 2014, hiện thực hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo nguyên tắc doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế. Bảo đảm thể chế hóa đầy đủ nội dung Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, bảo đảm thống nhất, phù hợp với sự thay đổi của pháp luật có liên quan, thay đổi kinh tế - xã hội trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và yêu cầu chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, chủ động cải cách mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh của nước ta./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bài viết liên quan

Ảnh
Chung cư là loại hình ở thực với mức giá tương đối dễ chịu so với nhà mặt đất, thủ tục pháp lý vay…
Ảnh
Trong 11 tháng đầu năm 2024, TP.HCM chỉ có 12 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, bằng …
Ảnh
Các chuyên gia cho rằng giá bán căn hộ tại Việt Nam đang tăng nhanh hơn mức tăng trưởng thu nhập,…
Ảnh
Đó là thông tin được Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Đính đưa ra tại…
Ảnh
Đến nay, thị trường bất động sản được đánh giá là đã vượt qua giai đoạn khó khăn. Hàng loạt dự án…