Quốc hội thông qua nhiều nghị quyết về tài chính và kinh tế - xã hội.

Sáng nay (19/6), Quốc hội đã họp phiên toàn thể tại hội trường và biểu quyết thông qua 4 nghị quyết.

Các nghị quyết được thông qua gồm: Thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội; Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; và Thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia.

quoc hoi thong qua nhieu nghi quyet ve tai chinh va kinh te xa hoi

Tại phiên họp, 91,51% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành với việc thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trên cơ sở ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Tài chính Ngân sách tổ chức phiên họp ngày 15/6, phối hợp với các cơ quan hữu quan của Chính phủ, Hội đồng dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.

Có ý kiến cho rằng, việc ban hành Nghị quyết cần đồng bộ với việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô năm 2012; việc ban hành Nghị quyết có thể dẫn đến tạo tiền lệ cho các địa phương đều mong muốn có “cơ chế đặc thù”.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội là xác đáng. Báo cáo tổng kết 8 năm thực hiện Luật Thủ đô cho thấy đã đạt được một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, thực tiễn cũng nảy sinh nhiều vấn đề mới cần xử lý mà Luật Thủ đô chưa bao quát hết. Theo dự kiến, việc sửa đổi Luật Thủ đô sẽ được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian tới. Trong khi chờ sửa đổi Luật Thủ đô, trên cơ sở Kết luận số 22-KL/TW ngày 07/11/2017 của Bộ Chính trị và căn cứ yêu cầu thực tiễn quản lý của TP. Hà Nội, việc ban hành Nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù cho Hà Nội nhằm khai thác có hiệu quả nguồn lực, tăng cường phân cấp, phân quyền tạo chủ động trong việc quyết định, sử dụng ngân sách là cần thiết trong điều kiện hiện nay.

Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội. Đồng thời, trên thực tế cơ chế đặc thù chỉ áp dụng đối với địa phương được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với UBND TP. Hà Nội sớm nghiên cứu, trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định sửa đổi Luật Thủ đô đúng thời hạn theo quy định.

Một số ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc thẩm quyền quyết định thu phí, lệ phí; đề nghị quy định mức trần thu phí và kiến nghị không nên bổ sung phí, lệ phí tòa án. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, theo quy định tại Điều 17 của Luật Phí và lệ phí năm 2015, thẩm quyền bổ sung các khoản phí, lệ phí chưa có trong Danh mục ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương lần thứ 6, khóa XII, xin Quốc hội cho phép thí điểm giao HĐND TP. Hà Nội thực hiện quyền hạn này như quy định tại dự thảo Nghị quyết đã trình Quốc hội. Quy định này cũng tương thích với cơ chế thí điểm đối với TP. Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc cho phép Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công, vì đây là khoản thu lớn, có thể làm mất cân đối ngân sách trung ương. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, theo quy định hiện hành của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, các cơ quan, đơn vị phải di dời trụ sở được sử dụng tối đa 70% (riêng lĩnh vực quốc phòng, an ninh là 100%) số thu tiền sử dụng đất và tài sản trên đất của trụ sở cũ để trang trải chi phí liên quan đến việc bán, di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới; phần nộp ngân sách nhà nước là 30% còn lại.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc quy định cho ngân sách TP. Hà Nội được hưởng 50% số thu nộp ngân sách nhà nước sau khi đã trừ chi phí liên quan cũng không ảnh hưởng lớn đến cân đối ngân sách trung ương trong ngắn hạn, nhưng có ý nghĩa động viên, khuyến khích chính quyền địa phương cùng các cơ quan, đơn vị đẩy nhanh sắp xếp các cơ sở nhà, đất nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài sản công. Thành phố sẽ có thêm nguồn lực để xử lý những vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch đô thị, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho phù hợp. Quy định này tương tự như cơ chế thí điểm cho TP. Hồ Chí Minh tại Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội.

Có ý kiến đề nghị cần cho phép Ngân sách TP. Hà Nội được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND Thành phố làm đại diện chủ sở hữu như quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác với 91,10% đại biểu Quốc hội tán thành.

Theo đó, Nghị quyết giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng. Doanh nghiệp căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 2 để tự xác định số thuế được giảm khi tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quý và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020.

Trích nguồn

Dương Công Chiến

Bài viết liên quan

Ảnh
Chung cư là loại hình ở thực với mức giá tương đối dễ chịu so với nhà mặt đất, thủ tục pháp lý vay…
Ảnh
Trong 11 tháng đầu năm 2024, TP.HCM chỉ có 12 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, bằng …
Ảnh
Các chuyên gia cho rằng giá bán căn hộ tại Việt Nam đang tăng nhanh hơn mức tăng trưởng thu nhập,…
Ảnh
Đó là thông tin được Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Đính đưa ra tại…
Ảnh
Đến nay, thị trường bất động sản được đánh giá là đã vượt qua giai đoạn khó khăn. Hàng loạt dự án…