"Sốt ruột" đẩy tiến độ cổ phần hóa

 

ПАТЕНТ: ЧТО НУЖНО ЗНАТЬ БИЗНЕСУ | Sauap.org

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Nếu hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp, thoái vốn Nhà nước được thúc đẩy tiến độ nhanh hơn, thị trường chứng khoán sẽ có thêm lực hút mới...

Hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp, thoái vốn Nhà nước căn bản đã ì ạch, nay càng khó khăn vì đại dịch COVID-19, khiến các cơ quan quản lý phải bàn phương án thúc đẩy tiến độ nhanh hơn.

Lũy kế giai đoạn 2016 - tháng 4/2020, đã có 174 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.126 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.748 tỷ đồng. Tuy nhiên trong 174 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 36/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch), số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92 doanh nghiệp.

Như vậy, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp còn chậm, những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2020 gồm: Thành phố Hà Nội cổ phần hóa 13 doanh nghiệp (04 Tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; Thành phố Hồ Chí Minh cổ phần hóa 38 doanh nghiệp (11 Tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa 06 doanh nghiệp (03 Tập đoàn, 03 Tổng công ty); Bộ Công Thương cổ phần hóa 04 doanh nghiệp (03 Tổng công ty); Bộ Xây dựng cổ phần hóa 02 Tổng công ty.

Nguồn: BTC, DĐDN

Cần lưu ý thêm rằng, mặc dù tiến độ cổ phần của các địa phương, Tổng công ty, Bộ ngành đã chậm, song tình hình này còn kém lạc quan hơn khi 4 tháng đầu năm 2020, không có doanh nghiệp nào thực hiện cổ phần hóa. Diễn biến khó lường của dịch bệnh COVID-19 khiến cho sản xuất, kinh doanh và các hoạt động khác của xã hội đình trệ, đã ảnh hưởng tới công tác triển khai cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp. Mặt khác, diễn biến này này cũng đã và đang phụ thuộc vào diễn biến của thị trường chứng khoán, vốn đã suy giảm đến hết tháng 3 /2020 mới trở lại phục hồi và đang đà hưng phấn.

Tuy nhiên, lực đẩy cho thị trường chứng khoán Việt Nam, theo đánh giá tổng quan, vẫn mới chỉ phụ thuộc phần lớn vào các nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư cá nhân và có một phần từ dòng tiền đỡ giá cổ phiếu, mua vào cổ phiếu quỹ khi cổ phần doanh nghiệp bị thị trường đánh trượt giá xuống mức quá thấp. Khối ngoại chỉ mới quay lại mua ròng thời gian gần đây, song tỷ lệ mua ròng chưa cao, chưa đều cũng như chưa thể kỳ vọng là bền vững khi những tác động từ thị trường quốc tế còn quá lớn.

Trong khi đó, bên cạnh tác động sâu của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu chưa biết bao giờ chấm dứt, một vấn đề khác còn đang nan giải trở lại là căng thẳng Mỹ-Trung có thể tiếp tục "bắt lửa" trên đấu trường thương mại. Gần đây là động thái của chính quyền Donald Trump với Huawei gây quan ngại về bất đồng quan điểm và thương chiến Mỹ-Trung trở lại, leo thang. Vấn đề này trực tiếp tác động đến lo ngại và sự co cụm của các dòng tiền đầu tư quốc tế, bao gồm dòng vốn dành cho cả những thị trường quy mô còn nhỏ nhưng được đánh giá là khá ổn định và lạc quan như ở Việt Nam.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, trong giai đoạn trước mắt, nhiệm vụ cấp thiết của các cơ quan ngành là duy trì hoạt động của nền kinh tế, giảm thiểu đến mức tối đa tác động của dịch bệnh COVID-19, đồng thời vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý tài chính doanh nghiệp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cần tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế; nghiêm túc, khẩn trương, quyết liệt triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, tập trung vào 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Bộ Tài chính đề ra.

Đáng chú ý, một thách thức không nhỏ đối với hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn cổ phần Nhà nước trong năm nay, là những lo ngại về hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) của các nhà đầu tư quốc tế, trong đó nổi lên dòng vốn mạnh mẽ đầu tư góp vốn cổ phần thâu tóm doanh nghiệp từ Trung Quốc. Trong bối cảnh giá cổ phiếu trên sàn ở nhiều doanh nghiệp đã về mức rất thấp và theo thống kê, vốn đầu tư góp vốn mua cổ phần doanh nghiệp, đặc biệt từ Trung Quốc, đã gia tăng mạnh mẽ trong những tháng đầu năm 2020 tại Việt Nam, mức tăng trưởng trội hơn hẳn trong tổng tỷ trọng vốn đăng ký, giải ngân đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đây là lời cảnh báo nhất định đối với các kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn cổ phần đang bị đặt giữa bài toán tiến độ và hiệu quả của các tổng công ty, doanh nghiệp.

Sau rất nhiều chậm chạp, Mobilefone liệu có thể đáp ứng trông đợi của các nhà đầu tư lớn về việc thực hiện cổ phần hóa trong năm nay?

Đặc biệt, theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg đã được phê duyệt, sẽ có 93 doanh nghiệp dự kiến sẽ cổ phần hóa, thoái vốn đến hết năm 2020. Một số doanh nghiệp tiềm năng đáng chú ý bao gồm Mobifone, VNPT (Viễn thông); Agribank (Ngân Hàng); Genco 1,2 (Điện). Đây đều là những doanh nghiệp mà thị trường vô cùng mong đợi với quy mô, giá trị thị phần trong lĩnh vực hoạt động đặc thù. Đáng chú ý nhất, Agribank là ngân hàng có liên quan đến thị trường khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa khá sâu rộng, mặc dù có sự quy định về hạn chế room khối ngoại; hay Mobifone và VNPT trong lĩnh vực viễn thông  cũng vô cùng đặc thù, nhất là khi Việt Nam sắp triển khai thí điểm Mobile Money - tiền điện tử cung cấp phương thức thanh toán số cũng cho người dân ở khu vực vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn, ngoại thành đô thị...

Sự lựa chọn giữa giá trị cổ phần hóa, đổi mới và nâng cao năng lực doanh nghiệp Nhà nước tại các đơn vị này, theo nhiều chuyên gia, nên được cân nhắc và nên thận trọng để có định hướng phù hợp với lộ trình giảm sở hữu Nhà nước, bao gồm cả việc lựa chọn đối tác hợp tác chiến lược góp vốn cổ phần, nếu có.

10 giải pháp thúc đẩy cổ phần hóa

Theo Bộ Tài chính, cần thực hiện các giải pháp dưới đây để thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa DNNN:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN theo Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII, Nghị quyết số 60/NQ-QH14 của Quốc hội.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước về cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp theo chỉ đạo, phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ba là, hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai đề án cơ cấu lại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý theo đúng quy định tại Quyết định số 707/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thủ trưởng, người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm đôn đốc các Tập đoàn, Tổng công ty, DNNN triển khai thực hiện phương án cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại đã được phê duyệt.

Bốn là, các DNNN thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai trình Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 và các văn bản sửa đổi, bổ sung.

Năm là, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa đến hết năm 2020 triển khai hoàn thành công tác xác định giá trị doanh nghiệp, xử lý tài chính, công bố giá trị doanh nghiệp trong năm 2020.

Sáu là, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước phải thực hiện thoái vốn trong năm 2020 triển khai công tác thoái vốn theo quy định, kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quy định đối với các trường hợp thoái vốn gặp khó khăn, vướng mắc để điều chỉnh cho phù hợp.

Bảy là, cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước đôn đốc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa: Thực hiện nghiêm việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật; Thực hiện bàn giao các doanh nghiệp thuộc diện phải bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC theo đúng quy định hiện hành.

Tám là, đề nghị người đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo kế hoạch đã đề ra, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả triển khai công tác cơ cấu lại DNNN, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ khi không hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ đã giao.

Chín là, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chỉ đạo các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước: Vừa đảm bảo yêu cầu chống dịch COVID-19, vừa đảm bảo tối đa hoạt động sản xuất, kinh doanh; Rà soát, điều chỉnh lại các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh năm 2020 cho phù hợp với tình hình mới, trong đó, xây dựng các giải pháp ứng phó rủi ro, hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, thị trường, đề xuất, kiến nghị cụ thể giải pháp khôi phục sản xuất, kinh doanh sau khi dịch kết thúc.

Mười là, các DNNN nghiên cứu, áp dụng công nghệ thông tin để khắc phục các khó khăn, tiếp tục triển khai, duy trì hoạt động trong thời gian dịch bệnh diễn ra, nghiên cứu các biện pháp khắc phục hậu quả, khẩn trương phục hồi sản xuất kinh doanh.

 

Theo Lê Mỹ/enternews.vn

Bài viết liên quan

Ảnh
Chung cư là loại hình ở thực với mức giá tương đối dễ chịu so với nhà mặt đất, thủ tục pháp lý vay…
Ảnh
Trong 11 tháng đầu năm 2024, TP.HCM chỉ có 12 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, bằng …
Ảnh
Các chuyên gia cho rằng giá bán căn hộ tại Việt Nam đang tăng nhanh hơn mức tăng trưởng thu nhập,…
Ảnh
Đó là thông tin được Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Đính đưa ra tại…
Ảnh
Đến nay, thị trường bất động sản được đánh giá là đã vượt qua giai đoạn khó khăn. Hàng loạt dự án…