Thống đốc yêu cầu các TCTD cơ cấu nợ cho cả khách hàng cá nhân bị khó khăn trong thu nhập.Các cơ quan thuộc NHNN cần tiếp tục nghiên cứu ban hành các văn bản liên quan đến triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, miễn giảm phí dịch vụ điện tử.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 22/4 họp trực tuyến với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trên cả nước về tăng cường tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khắc phục khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết các tổ chức tín dụng (TCTD) phải tiếp tục tập trung chỉ đạo đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay vốn nhưng không nới lỏng điều kiện tín dụng để đảm bảo chất lượng an toàn tín dụng, duy trì tính lành mạnh của hoạt động ngân hàng trong những năm tới.
Theo chỉ đạo của Thống đốc, các TCTD cần chia sẻ tối đa khó khăn với khách hàng vay vốn, nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay cũng như sau khi dịch kết thúc. Ngân hàng thực hiện tối đa việc giảm chi phí để hỗ trợ giảm lãi suất cho nền kinh tế, phải xem xét chủ động cân đối nguồn vốn để đầu tư cho những dự án án khả thi, phải coi cho vay mới hỗ trợ phục hồi sau dịch là yếu tố then chốt giúp nền kinh tế tăng trưởng trong năm nay. Đây là nhiệm vụ chủ yếu của các TCTD trong thời gian tới.
Đối với một số TCTD chưa ban hành văn bản hướng dẫn triển khai Thông tư 01 của NHNN, Thống đố yêu cầu phải kịp thời ban hành và triển khai thực hiện. Trong quá trình cơ cấu lại nợ, không chỉ khách hàng doanh nghiệp, cả khách hàng cá nhân bị khó khăn trong thu nhập cũng cần phải được các NHTM phải xem xét cơ cấu lại nợ, cả nợ gốc và nợ lãi.
Hội nghị trực tuyến các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trên cả nước. Ảnh: NHNN.
Các TCTD cũng cần có cơ chế khuyến khích phù hợp để chi nhánh, phòng giao dịch, cán bộ thực hiện tháo gỡ khó khăn cho khách hàng nhưng cũng phải xử lý với các chi nhánh, các cán bộ thiếu trách nhiệm, gây khó khăn phiền hà, chậm trễ trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Thống đốc yêu cầu toàn bộ hệ thống các TCTD cần nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm của ngành với nền kinh tế, triển khai mạnh các biện pháp cơ cấu lại nợ, cho vay mới, giảm lãi suất cho vay.
Đồng thời, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, các vụ Pháp chế, Tín dụng các ngành kinh tế, Thanh toán chủ động rà soát, tham mưu sửa đổi các quy định hiện hành và ban hành ngay các văn bản hướng dẫn cụ thể cho các vấn đề còn vướng mắc, các kiến nghị chủ yếu tập trung vào Thông tư 01, nhất là các vấn đề về thời hạn cơ cấu lại nợ, trích lập dự phòng rủi ro, dự thu, xác định khách hàng, cho vay tái cấp vốn, thanh toán điện tử…, tiếp tục triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, miễn giảm phí dịch vụ điện tử.
Ngân hàng Chính sách xã hội phải khẩn trương phối hợp các bộ ngành triển khai nhiệm vụ được giao, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại, cho vay mới các đối tượng chính sách bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19, hoàn thiện thủ tục xin ý kiến các bộ, ngành trình Thủ tướng giảm lãi suất cho các đối tượng này.
Trích nguồn
Lê Hải