Nếu không kiểm soát được tốc độ “leo thang” của giá bất động sản thì nỗi lo về một thế hệ không có khả năng mua nhà, hay không có khả năng chi trả tiền thuê nhà rất có thể trở thành hiện thực…
Ảnh minh hoạ
Tại diễn đàn “Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển” do Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội chủ trì tổ chức ngày 16/11, các đại biểu đã cùng nhau bàn luận, đề xuất các giải pháp nhằm kéo giảm giá nhà, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững...
Phát biểu tại diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng một trong những bất cập lớn của thị trường bất động sản hiện nay là tình trạng bỏ hoang, gây lãng phí đất đai vô cùng to lớn.
LÃNG PHÍ VÔ CÙNG TO LỚN TỪ NHÀ, ĐẤT BỎ HOANG
Nhà báo Nguyễn Kim Khiêm, Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, nhận định tại Hà Nội và nhiều thành phố trên cả nước vẫn có hàng ngàn khu đô thị “ma” cùng những căn biệt thự để không người ở.
Thời điểm này, khi giá nhà đất ở Hà Nội bị thổi lên và hình thành mặt bằng giá cao chưa từng có thì những khu đất bỏ hoang, những khu đô thị “ma” đó là sự lãng phí vô cùng lớn, gây phản cảm và bức xúc cho dư luận. Có thể thấy tình trạng lãng phí đất đai đã tước đoạt cơ hội có nhà của nhiều người dân khi quỹ đất cho phát triển nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội ngày càng bị thu hẹp. Nhưng hơn hết, sự lãng phí này làm lỡ cơ hội phát triển của địa phương và của đất nước bởi đất đai là nguồn lực đặc biệt quan trọng để phát triển đất nước .
“Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu phải đưa chống lãng phí ngang hàng với chống tham nhũng. Sau chỉ đạo của Thủ tướng về việc rà soát các công trình, các dự án, trong đó có các dự án bất động sản gây lãng phí, Hà Nội đã bắt đầu vào cuộc khi ra văn bản yêu cầu các quận huyện rà soát các công trình, dự án tồn đọng, dừng thi công kéo dài, trong đó có các dự án khu đô thị, khu nhà ở gồm nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà tái định cư chậm đầu tư xây dựng và đề xuất phương án xử lý trước ngày 30/11. Đây chắc chắn là lời tuyên chiến mạnh mẽ với lãng phí, tiếp sau công cuộc phòng, chống tham nhũng”, ông Khiêm nhấn mạnh.
Cũng theo ông Khiêm, hơn một năm trước, khu đất đấu giá tại huyện Hoài Đức, cách trung tâm Hà Nội trên dưới 25km, đã 3 lần được thông báo đấu giá với mức giá khởi điểm hơn 60 triệu đồng nhưng không có nhà đầu tư tham gia nên không thể đấu giá thành công. Tình trạng đấu giá đất ảm đạm này cũng diễn ra ở nhiều huyện vùng ven vào thời điểm đó. Nhưng nay, cũng là khu đất cách trung tâm thành phố hơn 1 giờ chạy xe đã được đấu lên tới hơn 100 triệu đồng, cao nhất lên tới hơn 133 triệu đồng mỗi m2.
Cơn “sốt” đất nền tại các huyện vùng ven diễn ra suốt hai tháng qua đã đẩy mặt bằng giá chung cư và nhà đất ở Hà Nội lên một mức cao chưa từng có, mức giá mà tính cơ học với đồng lương viên chức phải mất nhiều chục năm nhịn ăn, nhịn tiêu mới đủ tiền mua nhà ở. Cơ quan chức năng đã chỉ ra tình trạng đầu cơ, trả giá cao rồi bỏ cọc trong các cuộc đấu giá để tạo mặt bằng giá áo nhằm trục lợi, thao túng thị trường. Nếu tình trạng này không được nhận diện, không được kiểm soát và có giải pháp thích hợp để những cơn sốt ảo đẩy bất động sản lên một mặt bằng giá mới sẽ gây ra nhiều hệ lụy khôn lường đối với nền kinh tế cũng như xã hội.
“Nhìn ở góc độ kinh tế, nếu tiền chỉ được chôn vào bất động sản thì triệt tiêu nguồn lực, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Ở nhiều địa phương, khi mặt bằng giá đất được đẩy lên cao một cách vô lý còn là lực cản phát triển khi phải đền bù thu hồi đất với giá cao ngất ngưởng để triển khai những công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Từ đây cũng làm nảy sinh nhiều bất ổn về tình hình an ninh trật tự khi xảy ra khiếu kiện về đền bù đất đai. Nhìn dưới góc độ xã hội, nếu không kiểm soát đươc tốc độ leo thang của giá bất động sản thì nỗi lo về một thế hệ không có khả năng mua nhà hay không có khả năng chỉ trả tiền thuê nhà rất có thể trở thành hiện thực. Không có nhà sẽ dẫn đến không kết hôn, không sinh con và nhiều “không” khác…”, ông Khiêm phân tích.
NÊN ĐÁNH THUẾ SỞ HỮU NHIỀU NHÀ, ĐẤT
Đề cập đến thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhìn nhận đã xuất hiện tình trạng đầu cơ đất đai, đẩy giá nhà ở và phát sinh giao dịch bất động sản thiếu minh bạch. Vấn đề giá tăng làm cho khả năng tiếp cận nhà ở của người mua giảm, đặc biệt là phân khúc nhà ở phù hợp thu nhập. Điều này đòi hỏi chính quyền địa phương có phương thức điều tiết thị trường, quản lý, giám sát chặt chẽ.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cũng cho rằng có một thực trạng mà thị trường bất động sản đang gặp phải là cơ cấu sản phẩm nhà ở đang chưa hợp lí, thiếu nhà giá rẻ, nhà ở vừa túi tiền. Riêng tại TP. HCM, từ năm 2021 đến nay, phân khúc nhà ở dưới 3 tỷ đồng hoàn toàn vắng bóng trên thị trường. Thị trường đang ở trạng thái kim tự tháp ngược, dẫn đến sự phát triển không ổn định, không bền vững.
Để thị trường phát triển lành mạnh, ổn định và bền vững, theo ông Châu, phải thống nhất các luật và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường. Đề xuất thuế bất động sản là cần thiết, nhưng phải thực hiện sao cho hợp lý, sẽ điều tiết thị trường khi bị đầu cơ sốt nóng hoặc khi khó khăn, đóng băng.
Bàn về chủ đề đang gây nhiều tranh luận hiện nay là "có nên đánh thuế sở hữu nhiều nhà, đất?", ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho rằng nên. “Thuế liên quan đến đất và nhà là phải có. Thuế liên quan đến điều tiết giá trị tăng lên của đất và nhà càng phải có và có càng sớm càng tốt”, ông Cường nói.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh khẳng định bất động sản là loại hàng hoá đặc biệt và chúng ta phải công nhận trong nền kinh tế thị trường thì không chỉ đầu tư mà đầu cơ bất động sản cũng là bình thường. Do đó, chúng ta cũng nên ứng xử với nó một cách bình thường.
"Thuế là công cụ hạn chế đầu cơ bất động sản để tránh những hành vi làm méo mó, không phản ánh đúng thị trường. Theo tôi, không chỉ đánh thuế ngôi nhà thứ hai trở lên mà cứ là tài sản là phải đánh thuế. Tuy nhiên, để áp dụng được, trước hết phải giải quyết được vấn đề định giá đất. Nếu không xác định được giá đất như thế nào thì mọi giải pháp về thuế đưa ra đều là vô nghĩa và vĩnh viễn không thể nói đến phát triển thị trường bất động sản lành mạnh”, ông Ánh nhấn mạnh.
Phan Dương