Tình hình giá cả thị trường tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2019

Theo Tổng Cục thống kê chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2019 giảm 0,09% so với tháng trước, tăng 1,41% so với tháng 12/2018, tăng 2,16% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2019, CPI tăng 2,64% so với cùng kỳ năm 2018 - mức tăng bình quân 6 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm gần đây.

So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm: Giao thông giảm 1,73%; Nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,2%; Bưu chính viễn thông giảm 0,1%. Có 8 nhóm tăng: Đồ uống và thuốc lá tăng 0,33%; Giáo dục tăng 0,23%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,2%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,15%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,14%; May mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,14%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,12%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%.

Chỉ số giá vàng tháng 6/2019 tăng 1,98%, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,3% so với tháng 5/2019. Lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 6/2019 tăng 0,16% so với tháng trước, tăng 1,96% so với cùng kỳ; 6 tháng đầu năm 2019 tăng 1,87% so với cùng kỳ năm 2018.

Những nguyên nhân chủ yếu làm tăng CPI trong 6 tháng đầu năm 2019:

Giá nhiên liệu, chất đốt trong nước (xăng dầu, LPG) tăng theo giá thế giới trong đó giá xăng dầu trong nước tăng 4 đợt trong tháng 3, tháng 4 và tháng 5, tác động của việc điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý (điện, sách giáo khoa); giá một số nhóm hàng tiêu dùng (thuộc nhóm thực phẩm, dịch vụ ăn uống, đồ uống, dịch vụ giao thông công cộng, du lịch…) phục vụ Tết tăng theo quy luật; giá một số vật liệu xây dựng (sắt, thép, xi măng) và giá nhân công xây dựng tăng do nhu cầu xây dựng và chi phí đầu vào tăng.

Những nguyên nhân chủ yếu kiềm chế tốc độ tăng CPI trong 6 tháng đầu năm 2019:

Giá lương thực giảm do nguồn cung trong nước dồi dào và nhu cầu nhập khẩu gạo trên thế giới giảm, giá thịt lợn giảm mạnh từ tháng 3 đến tháng 5 do chịu ảnh hưởng bởi dịch tả lợn Châu Phi.

Giá dịch vụ y tế giảm 0,1% so với tháng 12 năm trước do điều chỉnh giảm giá dịch vụ khám chữa bệnh cho người không có thẻ Bảo hiểm y tế tại một số địa phương theo Thông tư số 37/2018/TT-BYT, giá xăng dầu trong nước giảm trở lại từ nửa cuối tháng 5 đến nay; giá dịch vụ viễn thông tiếp tục xu hướng giảm.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng-Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, các Bộ, ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả, điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý điều hành với mức độ và thời điểm phù hợp hạn chế tác động đến mặt bằng giá chung và lạm phát kỳ vọng, điều hành tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm linh hoạt…

Diễn biến tình hình giá cả một số mặt hàng chủ yếu:

Giá thóc, gạo tẻ thường nhìn chung ổn định, nguồn cung gạo các loại tương đối dồi dào do đã vào vụ thu hoạch thóc Đông Xuân, thị trường không xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu. Giá gạo giảm trong tháng 1,2/2019 do vào thời gian nghỉ lễ, giao dịch gạo kém sôi động và lượng cầu giảm. Tháng 3,4/2019 thị trường sôi động trở lại do thông tin nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc, Iraq, Cuba ... Sang tháng 5,6/2019, giá giảm do nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu thấp. Tại Miền Bắc giá thóc phổ biến từ 7.500 - 7.600 đồng/kg, giá gạo từ 11.00 -14.000 đồng/kg; tại Miền Nam giá thóc phổ biến từ 4.200 - 6.100 đồng/kg, giá gạo từ 7.150- 8.750 đồng/kg.

Giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống biến động không đều. Giá các mặt hàng thịt bò, thịt gà, thủy hải sản ổn định do nhu cầu thị trường đối với những mặt hàng này không có nhiều biến động, giá mặt hàng thịt lợn tăng trong tháng 1,2/2019, từ đầu tháng 3 đến tháng 5, giá thịt lợn hơi có xu hướng giảm mạnh, người tiêu dùng hạn chế sử dụng thịt lợn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Từ đầu tháng 6 đến nay, giá thịt lợn hơi tăng do nguồn cung trên thị trường giảm.

Giá phân bón không có nhiều biến động do nguồn cung trong nước dồi dào. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2019, giá phân bón Urê trên thị trường thế giới tăng 30-105 USD/tấn; ở trong nước, giá phân bón Urê tăng 1.600-1.700 đồng/kg, giá bán phân bón Urê trong nước phổ biến từ 7.900-8.600 đồng/kg.

Giá muối trong nước ổn định trong 2 tháng đầu năm do nhu cầu thị trường không có nhiều biến động. Đến tháng 3, giá muối tăng do nguồn cung giảm. Sang Quý II/2019, giá muối ổn định không có nhiều biến động cụ thể: miền Bắc giá muối từ 1.600-2.700 đồng/kg; Nam Trung Bộ giá muối thủ công từ 1.400-2.200 đồng/kg, muối công nghiệp từ 1.100-1.300 đồng/kg; Nam Bộ từ 1.200-2.000 đồng/kg.

Giá đường trong nước sau khi giảm liên tục trong 04 tháng đầu năm 2019 đã tăng trở lại từ tháng 5 do nhu cầu cao bởi tác động của thời tiết nắng nóng. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2018, giá bán buôn đường 06 tháng đầu năm 2019 ở mức thấp và theo xu hướng giảm cụ thể: Giá bán buôn đường RS giao động từ 10.000-12.300 đồng/kg (giảm 500-1.200 đồng/kg); giá bán buôn đường RE giao động từ 10.800-13.500 đồng/kg (giảm 2.200 – 2.300 đồng/kg).

Giá LPG trong nước chủ yếu biến động theo chiều tăng trong 6 tháng đầu năm 2019 do giá LPG trên thị trường thế giới liên tục tăng, giá bán lẻ LPG bình 12kg được điều chỉnh tăng với tổng mức điều chỉnh khoảng từ 4.000- 5.000 đồng/bình, cụ thể: Saigon Petro giá 325.000 đ/bình 12kg, Công ty Cổ phần kinh doanh khí Miền Nam giá 320.000 đ/bình 12kg, Công ty TNHH thương mại Trần Hồng Quân giá 278.000 đ/bình 12kg.

   Giá xi măng  , các công ty xi măng thuộc Tổng công ty xi măng Việt Nam thực hiện kê khai giá tại Cục Quản lý giá Bộ Tài chính đã thực hiện kê khai tăng giá 1 lần vào ngày 20/3/2019; mức tăng giao động từ 10.000 - 60.000 đồng/tấn tùy từng chủng loại xi măng khác nhau; nguyên nhân do giá nhiên liệu đầu vào để sản xuất xi măng tăng (giá điện, than tăng); ngoài đợt tăng giá ngày 20/3/2019 có hai công ty là công ty xi măng Bỉm Sơn và công ty xi măng Bút Sơn kê khai điều chỉnh tăng giá lần 2 vào tháng 5/2019, mức tăng khoảng 30.000 đồng/tấn. Mức giá tại các máng xuất trong tháng 6/2019 của các công ty xi măng thuộc tổng công ty xi măng đối với loại xi măng PCB 40 bao trung bình dao động ở mức 990.000 - 1.625.000 đồng/tấn; đối với xi măng PCB 30 bao trung bình giao động ở mức 988.000 - 1.230.000 đồng/tấn.

   Giá thép xây dựng, theo báo cáo của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thép, tháng 01/2019 giá thép xây dựng cơ bản ổn định, tháng 02/2019 do giá nguyên liệu đầu vào biến động tăng nên các nhà máy điều chỉnh tăng giá bán trong nước với mức tăng phổ biến khoảng từ 40-650 đồng/kg tùy theo từng chủng loại, từ tháng 3,4,5/2019 giá thép xây dựng tại các nhà máy cơ bản ổn định. Đến đầu tháng 6/2019, một số nhà máy điều chỉnh giảm giá 100-400 đồng/kg tùy theo từng chủng loại. Hiện tại, giá bán tại các nhà máy sản xuất thép ở mức khoảng từ 10.800-13.200 đồng/kg (giá giao tại nhà máy, chưa bao gồm 10% thuế VAT, chiết khấu bán hàng).

Giá xăng dầu, trong 6 tháng đầu năm 2019 Bộ Công Thương đã ban hành 12 văn bản điều hành giá xăng dầu trong nước, trong đó có 4 lần điều chỉnh giảm giá, 4 lần giữ ổn định giá và 4 lần tăng giá, giá bản lẻ tối đa các mặt hàng xăng dầu điều chỉnh ngày 17/6/2019 cụ thể: Xăng E5Ron92 là: 19.230 đồng/lít; Xăng Ron 95 - III là: 20.130 đồng/lít; Dầu điêzen 0.05S là: 16.650 đồng/lít; Dầu hỏa là: 15.610 đồng/lít; Dầu madút 180CST 3.5S là: 15.110 đồng/kg.

Giá thuốc trong 6 tháng đầu năm 2019 vẫn tiếp tục ổn định, đáp ứng đủ thuốc cung ứng cho nhu cầu phòng và chữa bệnh của nhân dân. Theo thông tin cập nhật về giá thuốc kê khai công bố trên trang điện tử của Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế, tính từ đầu năm 2019 đến ngày 30/4/2019: về thuốc nhập khẩu, có 482 lượt mặt hàng thuốc kê khai giá, 26 lượt mặt hàng kê khai lại giá (tăng giá); về thuốc sản xuất trong nước, có 957 lượt mặt hàng kê khai giá, 152 lượt mặt hàng kê khai lại giá (tăng giá); theo đó, số mặt hàng thuốc điều chỉnh tăng giá kê khai chiếm khoảng 0,96% tổng số mặt hàng thuốc lưu hành trên thị trường.

Giá vàng trong nước những tháng đầu năm giao dịch khá trầm lắng, biến động tăng, giảm cùng xu hướng với giá vàng thế giới. Tình hình cung - cầu vàng trong nước từ đầu năm đến nay tương đối ổn định, không có sự chênh lệch lớn, nhờ đó giá vàng trong nước diễn biến ổn định hơn so với giá vàng thế giới, cụ thể: Giá vàng ghi nhận xu hướng đi lên trong tháng 1,2,6 và giảm trong tháng 3,4,5. So với mức tăng, giảm mạnh của vàng thế giới, giá vàng trong nước có biên độ giao dịch dè dặt hơn. Chỉ số giá vàng các tháng (so với tháng trước) như sau: Tháng 01 tăng 2,25%, tháng 02 tăng 0,8%, tháng 3 giảm 0,21%, tháng 4 giảm 0,5%, tháng 5 giảm 0,5%, tháng 6 tăng 1,98%.; Chỉ số giá vàng bình quân 6 tháng đầu năm giảm 0,15% so với cùng kỳ năm 2018.

Giá đô la Mỹ, thị trường ngoại hối ổn định với nguồn cung ngoại tệ dồi dào, tính thanh khoản tốt, đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ. Trong 4 tháng đầu năm 2019, tỷ giá giao dịch ổn định. Tuy nhiên, đến đầu tháng 5/2019, tỷ giá VND/USD biến động mạnh hơn, đến hết ngày 24/5/2019, tỷ giá giao dịch đã tăng khoảng 0,95% so với đầu năm; riêng giai đoạn từ ngày 6/5 đến 24/5/2019, tỷ giá giao dịch đã tăng khoảng 0,5%. Tỷ giá Đôla Mỹ được niêm yết đầu năm (03/01/2019) ở mức mua vào/bán ra là 23.155-23.245 đồng/USD, cuối tháng 6/2019 tăng lên mức mua vào/ bán ra là 23.230-23.350 đồng/USD. So với đầu năm, tỷ giá đồng đô la Mỹ trong hệ thống ngân hàng tăng 75-105 đồng (mua vào - bán ra).

Chỉ số giá Đôla Mỹ các tháng (so với tháng trước) như sau: Tháng 01 giảm 0,4%, tháng 02 giảm 0,09%, tháng 3 tăng 0,05%, tháng 4 giảm 0,02%, tháng 5 tăng 0,45%, tháng 6 tăng 0,3%. Chỉ số giá Đôla Mỹ bình quân 6 tháng đầu năm 2019 tăng 2,23% so với cùng kỳ năm 2018.

báo cáo thị trường tháng 6 va 6 tháng năm 2019.PDF

 

 

Bài viết liên quan

Ảnh
Lượng cung thấp hơn lực cầu, lượng giao dịch nhà thổ cư Hà Nội không có dấu hiệu sụt giảm trong…
Ảnh
Cần quy có quy định bắt buộc chủ đầu tư đăng ký xếp hạng chung cư theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng…
Ảnh
Nếu tách thửa không hình thành lối đi mới, tại phường, thị trấn, thửa đất phải bảo đảm chiều dài từ…
Ảnh
Trong thời gian qua, thực tiễn đấu giá quyền sử dụng đất tại Việt Nam đã bộc lộ nhiều bất cập, cần…
Ảnh
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Kế hoạch về việc thúc đẩy tăng trưởng, kiểm…