Cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước: Băn khoăn giữ hay bỏ “gà đẻ trứng vàng”

Công tác cổ phần hóa (CPH), thoái vốn Nhà nước tại các DN vẫn được đánh giá là rất chậm và gây ách tắc một nguồn lực quan trọng không thể đưa vào sử dụng. Hiện nay đang có những ý kiến cho rằng việc CPH, thoái vốn chỉ là một trong số những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của DN có vốn nhà nước. Vì vậy không nhất thiết phải bán vốn, CPH đối với đơn vị đang hoạt động hiệu quả.

co phan hoa thoai von nha nuoc ban khoan giu hay bo ga de trung vang

Cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước (Ảnh minh họa)

Cổ phần hóa, thoái vốn chậm lại đáng kể

Theo báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, các tập đoàn, tổng công ty, DNNN đã thoái vốn tại DN với giá trị là 382 tỷ đồng, thu về ngân sách nhà nước 2.180 tỷ đồng. Với kết quả này, Cục Tài chính doanh nghiệp đánh giá tiến độ triển khai CPH, thoái vốn đang chậm.

Trên thực tế, công tác CPH, thoái vốn Nhà nước tại DN đã bắt đầu chậm lại đáng kể từ năm 2020. Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, trong các năm từ 2016-2019 nguồn thu từ CPH, thoái vốn Nhà nước tại DN đều đảm bảo kế hoạch thu NSNN hàng năm theo yêu cầu của Quốc hội. Tuy nhiên tới năm 2020 số phải nộp NSNN theo yêu cầu của Quốc hội là 45.000 tỷ đồng, thì số đã nộp chỉ là hơn 29.000 tỷ đồng. Năm 2021, nguồn thu từ CPH, thoái vốn nộp về NSNN cũng chỉ 1.404 tỷ đồng, cách xa so với yêu cầu là 40.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Chí Thành - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết, năm 2021 cơ quan này tổ chức bán vốn tại 10 DN, cuối cùng bán thành công tại 4 DN, thu về 1.309 tỷ đồng. Trước đó, năm 2020, bán 572 tỷ đồng tại 10/26 DN, thu về 1.172 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, SCIC bán vốn tại 17 DN, kết quả đạt được tuy không bằng các năm trước song có thể coi là đáng kể nếu đặt trong bối cảnh rất nhiều bộ, ngành, địa phương còn chưa bán được DN nào.

Theo một chuyên gia của Bộ Tài chính, công tác CPH, thoái vốn Nhà nước tại DN trong giai đoạn 2021-2025 đã được dự báo sẽ chậm hơn so với giai đoạn trước, nay lại gặp thêm lực cản từ tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Vị này phân tích, các DN thực hiện CPH, thoái vốn, cơ cấu lại giai đoạn này hầu hết có quy mô lớn, tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai; hoặc các DN hoạt động trong lĩnh vực công ích, gắn liền với hoạt động của địa phương, đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các chiến lược, mục tiêu an sinh xã hội. Với các yếu tố như vậy, lại thêm tác động tiêu cực của dịch Covid-19 khiến tình hình kinh tế biến động, sản xuất, kinh doanh và các hoạt động khác của xã hội bị đình trệ, dẫn tới việc định giá DN trong bối cảnh hiện nay càng khó khăn hơn. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh cơ chế để lại nguồn thu từ CPH, thoái vốn cho ngân sách TP.HCM và Hà Nội đã làm giảm số thu về quỹ để nộp NSNN.

Khó xác định nên giữ hay bỏ

Đối chiếu kết quả thực hiện, có thể thấy danh mục và kế hoạch CPH, thoái vốn được các cơ quan quản lý vốn Nhà nước tại DN “chào hàng” có phần không khớp so với “khẩu vị” của nhà đầu tư trên thị trường. Vì vậy, mặc dù số lượng DN CPH, thoái vốn vượt kế hoạch đề ra, song số DN ngoài kế hoạch lại nhiều hơn số theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã ban hành.

Cụ thể trong giai đoạn 2016-2020 có 180 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH. Tuy nhiên trong số 128 DN thực hiện CPH, chỉ có 39 DN thuộc danh mục đã được phê duyệt, đạt 30% kế hoạch. Tương tự như vậy, số DN thực hiện thoái vốn trong giai đoạn này cũng chỉ đạt 30% kế hoạch, còn lại là số nằm ngoài kế hoạch đặt ra ban đầu.

Một số đơn vị đăng ký danh sách thực hiện CPH, thoái vốn nhưng không triển khai theo đúng kế hoạch. Đơn cử, Hà Nội theo kế hoạch có 15 DN thực hiện CPH, nhưng kết thúc giai đoạn chỉ thực hiện được một DN, TP. HCM theo kế hoạch triển khai CPH 39 DN, nhưng kết thúc giai đoạn chưa hoàn thành DN nào. Chỉ tính riêng 2 địa phương này đã chiếm tới 60% tổng số DN chưa hoàn thành CPH đến hết năm 2020.

TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ lý giải, sở dĩ công tác CPH, thoái vốn chậm lại và trong nhiều trường hợp có sự không khớp với nhu cầu của thị trường, do nhận thức về vai trò, vị trí của DNNN chưa thống nhất dẫn tới lúng túng trong hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện. Theo ông Kiên, Đại hội XIII của Đảng đã tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, cụ thể là hệ thống các DNNN. Tuy nhiên vẫn còn nhiều cấp, ngành, đơn vị chưa rõ về vai trò chủ đạo đó được thể hiện như thế nào. Vì chưa rõ ràng trong nhận thức về vai trò của DNNN, nên vấn đề trao quyền tự chủ cho DNNN, hay sử dụng DNNN làm công cụ điều tiết kinh tế… đều chưa được làm rõ. Từ đó đã dẫn tới mâu thuẫn là trong khi DNNN vẫn còn hiện diện trong nhiều ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần duy trì sở hữu vốn, thì cũng xuất hiện câu chuyện thoái vốn Nhà nước quá vội vàng ở một số ngành, lĩnh vực.

Dẫn câu chuyện Vietnam Airlines trong tháng 5 vừa qua đối diện nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn chứng khoán do hoạt động trong hai năm 2020-2021 liên tục bị đình trệ và rơi vào trạng thái thâm hụt dòng tiền, âm vốn chủ sở hữu... ông Kiên cho rằng đó là do hãng hàng không này đã thoái vốn ở hầu hết các lĩnh vực mang lại lợi nhuận cao. “Vietnam Airlines hiện nay đã thoái vốn trong các mảng dịch vụ như xăng dầu, suất ăn, trung chuyển hành khách… chỉ giữ lại mảng vận tải hàng không. Vì vậy trong khi các hãng bay khác hạch toán tổng hợp, cộng trừ các khoản lại để bù lỗ cho nhau, Vietnam Airlines không còn những mảng kinh doanh tạo ra lợi nhuận cao để làm được điều này”, ông Kiên phân tích.

Ông Kiên nói thêm, do đứng trước áp lực phải thoái vốn Nhà nước, nên ở một số DNNN trong những năm qua diễn ra tình trạng phải từ bỏ những mảng kinh doanh tạo lợi nhuận cao. Trong khi vẫn phải tập trung vào nhiệm vụ điều tiết nền kinh tế hay đảm bảo an sinh xã hội. Từ đó dẫn tới kết quả kinh doanh trên báo cáo tài chính của DN sụt giảm và bị xã hội đánh giá là kém hiệu quả.

Chia sẻ về câu chuyện có nên từ bỏ những “con gà đẻ trứng vàng”, ông Nguyễn Chí Thành - Chủ tịch SCIC cho rằng cần đưa ra những tiêu chí cụ thể để đánh giá thế nào là một DNNN hoạt động hiệu quả, từ đó có căn cứ để tiếp tục tiến hành CPH, thoái vốn. Ông Thành phân tích, cần nhìn đường dài khi đánh giá hiệu quả và tiềm năng của một DNNN. Theo đó, đơn vị đang còn vốn nhà nước làm ăn hiệu quả, nhưng trong tương lai khó có thể tăng trưởng tốt do thị trường bão hòa, phải cạnh tranh với DN có vốn đầu tư nước ngoài đang đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh chính của DN, xuất khẩu không còn thuận lợi như hiện tại... thì cách làm hiệu quả nhất là thoái vốn. Từ đó có thể dùng nguồn lực từ thoái vốn để đầu tư trở lại vào các lĩnh vực, ngành nghề mà Nhà nước cần “cầm trịch” hoặc DN tư nhân không muốn làm.

Trích nguồn

Ngọc Khanh

Bài viết liên quan

Hướng dẫn tái cơ cấu doanh nghiệp không đủ điều kiện cổ phần hóa.
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 05/2022/TT-BTC hướng dẫn tái cơ cấu doanh nghiệp không đủ điều…
Không còn cấp đất cho hộ gia đình từ 01/01/2025.
Đây là quy định mới đáng chú ý tại Luật Đất đai số 31/2024/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/…
Chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất trang trại chăn nuôi như thế nào?
Nhiều người dân muốn chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất trang trại chăn nuôi, thế nhưng vẫn chưa…
Thẩm định giá Dự án công trình Điện mặt trời.
Thẩm định giá dự án công trình điện mặt trời là gì? Cũng giống như thẩm định giá các dự án công…
Hoàn thiện cơ chế để giá bồi thường sớm tiệm cận giá thị trường thực tế.
Một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ các dự án đầu tư công, ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ giải…